Thị trường chứng khoán đã nên thay diện mạo mới?

10 năm phát triển chưa phải là một quãng thời gian dài, nhưng thị trường chứng khoán được ghi nhận đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc cần có sự thay đổi, chỉnh sửa về mặt chính sách để phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế và nhiều thành viên trên thị trường đã nhìn nhận lại quá trình hoạt động và đưa ra các ý kiến đóng góp cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn kế tiếp.

Báo cáo “Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2009 đã chỉ ra những tồn tại của công tác quản lý, trong đó thừa nhận chứng khoán là lĩnh vực mới nên cơ quan quản lý dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể dự báo, dự tính hết các hoạt động mới phát sinh trên thị trường.

Trải qua một quãng thời gian chưa dài, thị trường được ghi nhận đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Vào thời điểm tròn 10 năm thành lập thị trường, nhiều thành viên đã nhìn nhận lại quá trình hoạt động và đưa ra các ý kiến đóng góp cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn kế tiếp.

Cần một diện mạo mới cho chính sách thị trường

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), các chính sách của UBCKNN trong thời gian qua đưa ra nhiều nhưng chất lượng văn bản còn  thấp, hiệu lực pháp lý không cao, chẳng hạn trong công tác giám sát thị trường. Vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật về chứng khoán ngày càng tăng, làm mất lòng tin và gây thua lỗ cho nhà đầu tư, ví như dịch vụ sử dụng đòn bẩy tài chính chưa có qui định hợp lý và chế tài.

VAFI cũng kiến nghị một số giải pháp phát triển thị trường cần được ưu tiên thực hiện trong năm 2010 và 2011. Trong đó, đề cập đến việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch đồng thời đề xuất, đã đến lúc cho thực hiện giải pháp T+0 (thời gian được phép giao dịch) nhằm thúc đẩy phong trào đầu tư giá trị, nâng cao tính thanh khoản cho  thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Giám đốc Marketing tại Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng gia (IRS), lại băn khoăn hơn về các sản phẩm và nghiệp vụ mới trên thị trường. Thị trường đã phát triển và mở rộng, nhiều nhu cầu phát sinh là có thực. Như hoạt động cho vay giao dịch, theo quy định, các nhà đầu tư phải thực hiện ứng trước tiền bán, vay cầm cố chứng khoán qua ngân hàng với những thủ tục tương đối phức tạp. Để tạo điều kiện và giữ chân các nhà đầu tư nhiều công ty đã biến tấu các nghiệp vụ sau cho phù với pháp luật.

Hay đối với các nhà đầu tư, ông Hoàng chỉ ra thực tế việc mua bán chứng khoán trong cùng một phiên là không được phép, nhưng nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, không ít nhà đầu tư đã mở nhiều tài khoản khác nhau tại các công ty chứng khoán hay ủy quyền sử dụng tài khoản nhưng thực chất là nhờ người quen đứng tên.

“Như vậy, sẽ có một số lượng lớn tài khoản ảo, ngoài ra công việc thẩm định cho vay mượn đối với những tài khoản được ủy quyền trở nên phức tạp, khó kiểm soát đối với các công ty chứng khoán,” ông Hoàng nói.

Về phần UBCKNN, ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế, cũng cho rằng đã đến lúc cần phải có một sự thay đổi, chỉnh sửa luật cho phù hợp để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đất nước.

Ông Long khẳng định: “Không thể phát triển thị trường theo kiểu bong bóng được nữa”.

Ngoài ra, ông Long cũng thừa nhận hoạt động đầu tư chứng khoán là hoạt động đầu tư kinh doanh, khi người mua khớp lệnh tức là hợp đồng mua bán đã được thực hiện và người mua đã có cổ phiếu, họ có quyền sở hữu chúng.

Theo ông Long, thời gian thanh toán T+4 là thời gian đối chiếu, bù trừ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và không có nghĩa mua-bán trong ngày là mua bán khống. Một vấn đề đặt ra ở đây, khi nhà đầu tư mua bán ngay trong phiên thì hoạt động bù trừ có thể bị xóa hết. Tuy nhiên, nếu mình có thể quản lý được, nhà đầu tư có điều kiện mua-bán ngay trong phiên, thì đây sẽ là hình thức khuyến khích thị trường linh hoạt. Khi thị trường thứ cấp sôi động thì thị trường sơ cấp mới dễ dàng huy động vốn.

“Vấn đề ở đây là phải lập lại hoạt động quản lý trên thị trường,” ông Long chia sẻ.


Chưa phải là thời điểm thích hợp

Trên thị trường hiện nay vẫn có khá nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề này. Ông Trịnh An Huy, Chủ tịch Câu lạc bộ những nhà đầu tư chứng khoán, cho rằng một số nghiệp vụ như Margin (giao dịch ký quỹ), Repo (cầm cố chứng khoán) thì tương đối an toàn, còn các sản phẩm phái sinh khác như mua khống, bán khống thì chưa nên. Bởi đa phần trên thị trường chứng khoán là các nhà đầu tư cá nhân, với sản phẩm này nhiều nhà đầu tư không thể đánh giá hết mức độ rủi ro mà nó có thể đem lại.

Đối với ông Huy, giao dịch T+0 cũng chưa phù hợp với thị trường của ta. Ông Huy lý giải, hiện nay mặt bằng kỹ thuật công nghệ của các công ty chứng khoán không đồng đều vì vậy khó mà có thể chạy đồng loạt hoạt động này ngay được.

“Phải 7 năm hoặc 8 năm nữa, khi thị trường chứng khoán phát triển lên một trình độ nhất định. Hoạt động đầu tư không còn thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia trực tiếp mà được ủy thác thông qua các đại diện môi giới là các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm thì lúc đó thị trường mới nên cho phép sử dụng phổ biến các sản phẩm phái sinh hay thậm chí là bỏ hẳn biên độ dao động giá trong phiên,” ông Huy nói.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, phân tích về lý luận, việc cho phép các trò chơi trên thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào các điều kiện như tình hình nội tại của thị trường chứng khoán; nền kinh tế vĩ mô; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa; diễn biến kinh tế thế giới và tác động của nó nên nền kinh tế trong nước.

Còn về thực tiễn, ông Thành nhận định xu hướng điều tiết chính sách năm nay chú trọng tới việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy kiểm soát luồng tiền cũng là một vấn đề cần phải làm. Nếu thị trường thứ cấp quá năng động thì huy động vốn sẽ khó khăn.

“Nhìn vào các doanh nghiệp, trường hợp thị trường chứng khoán "thăng hoa" thì chỉ có một số các công ty lớn và vừa là có điều kiện tiếp cận kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Trong khi đó, ở Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và họ không có điều kiện tiếp cận dòng vốn này. Nền kinh tế Việt Nam trong 5-7 năm tới, vai trò chi phối vẫn thuộc về khu vực tài chính ngân hàng,” ông Thành phân tích./.

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCKNN, trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử VietnamPlus ngày 3/3, cho hay các cơ quan chức năng đang xem xét để cho phép triển khai các nghiệp vụ mới như giao dịch T+2, giao dịch Margin, Repo đối với chứng khoán, hy vọng sẽ có thể sớm triển khai ngay từ đầu năm 2010.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục