"NATO sẵn sàng hỗ trợ chính quyền mới tại Libya"

Tổng Thư ký NATO, Rasmussen cho biết nếu chính quyền mới tại Libya đề nghị, NATO sẵn sàng hỗ trợ họ trong giai đoạn quá độ này.
Ngày 31/10, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fogh Rasmussen đã bất ngờ tới Libya.

Dự kiến người đứng đầu liên minh quân sự đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi này sẽ có cuộc hội đàm với ban lãnh đạo mới của Tripoli - Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC).

Phát biểu với báo giới tại Tripoli, Tổng Thư ký Rasmussen cho biết nếu chính quyền mới tại Libya đề nghị, NATO sẵn sàng hỗ trợ họ trong giai đoạn quá độ này, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và cải cách an ninh.

Tuy nhiên, lãnh đạo NATO cũng khẳng định liên minh quân sự này sẽ không triển khai quân trên bộ và Liên hợp quốc cần đóng vai trò đi đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính quyền mới tại Libya.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Rasmussen diễn ra ba ngày sau khi các nước thành viên NATO quyết định chấm dứt chiến dịch ở Libya kéo dài 7 tháng qua. Đây cũng là chuyến thăm Lybia đầu tiên của một Tổng Thư ký NATO.

Trước đó, ngày 28/10, NATO tuyên bố sẽ chính thức chấm dứt sứ mệnh tại Libya vào ngày cuối cùng của tháng Mười này. Tất cả 28 nước thành viên liên minh quân sự này đã chính thức nhất trí "chấm dứt Chiến dịch Người bảo vệ Thống nhất (OUP) vào ngày 31/10," bảy tháng sau khi tiến hành các chiến dịch quân sự trên không và trên biển trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt vùng cấm bay tại Libya.

Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2016, chấm dứt sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay tại Libya kể từ 23h59 theo giờ Lybia (21h59 GMT) ngày 31/10.

Nghị quyết trên cũng quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Lybia để NTC có thể tiếp cận các loại vũ khí và thiết bị nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Liên hợp quốc đồng thời chấm dứt việc phong tỏa các tài sản của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya và gần như tất cả các hạn chế đối với ngân hàng trung ương và các thể chế chủ chốt khác của quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an vẫn duy trì các biện pháp cấm vận và trừng phạt đối với các cá nhân là thành viên của gia đình Gaddafi và những người thân cận của nhà lãnh đạo bị lật đổ đã chết ngày 20/10 vừa qua này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục