Câu lạc bộ 8.000 có thêm một thành viên mới

Với thành tích 16 năm chinh phục 14 ngọn núi cao nhất hành tinh, Andrew Lock đã gia nhập nhóm các nhà leo núi “siêu” nhất thế giới.
Ngày 6/10, báo chí Australia cho biết vận động viên leo núi Andrew Lock đã chính thức gia nhập nhóm các nhà leo núi “siêu” nhất thế giới sau khi bỏ ra 16 năm để chinh phục 14 ngọn núi cao nhất hành tinh.

16 năm, một giấc mơ

Andrew Lock mới chỉ 31 tuổi khi bước vào “nghiệp” leo núi. Giờ đây, người đàn ông Australia này đã 47 tuổi và kịp hoàn tất giấc mơ của cả cuộc đời. Thách thức cuối cùng của Lock là đỉnh Shishapangma ở Tây Tạng và ông đã chinh phục ngọn núi này vào cuối tuần trước với sự giúp đỡ của vận động viên Neil Ward, người xứ Wales.

Hai người bắt đầu leo từ sườn Bắc của ngọn Shishapangma nhưng đã không gặp may cho lắm. Họ xuất phát trễ hơn so với dự định do thời tiết xấu và buộc phải vứt balô lại trong tuyết ở cách đỉnh 80m để có thể lên tới đích cuối vào lúc 17 giờ 5 ngày 2/10, trước khi trời tối. Hai người đàn ông chỉ kịp bắt tay nhau trên đỉnh núi để đánh dấu sự kiện quan trọng của đời họ rồi vội vã trở xuống trong bóng đêm.

Trên đường xuống, ở độ cao 7.600m, họ bị kẹt lại trong một cơn bão. Cả hai đã phải đào hố để tránh bão và ngồi lên ba lô cho đỡ lạnh. “Chuyến leo núi này khá nguy hiểm. Nhiều lúc chúng tôi phải leo dọc theo các đoạn núi hiểm trở với những gờ đá sắc như dao cạo, dễ xảy ra lở tuyết”, Lock kể.

Ngày 4/10, sau nhiều khó khăn, cả hai đã về tới bản doanh. “Tôi rất vui vì đã hoàn thành mục tiêu nhưng cũng rất mệt” - Lock nói với tờ Times Of London khi cùng Ward, 37 tuổi, uống trà ở bản doanh nằm trên cao nguyên Tây Tạng vào sớm ngày 6/10 - “Tôi vẫn còn ngất ngây vì cuộc leo núi đặc biệt này”.

Lock là chuyên gia tư vấn quản lý rủi ro ở Canberra. Đây là lần thứ 3 mà ông đặt chân lên Shishapangma, đỉnh núi có độ cao 8.013m nằm giáp biên giới Nepal, và lần này đã thành công.

Lock gặp Ward khi cả hai cùng tham gia trèo lên Shishapangma cách đây hai năm. Hành trình lên đỉnh núi cũng là một trải nghiệm đặc biệt với Ward. Người đàn ông 37 tuổi này đã học leo núi trên các ngọn đồi ở vùng Pembrokeshire, xứ Wales, từ khi còn là một đứa trẻ và giờ sống gần dãy Alps. “Với tôi, mọi chuyện diễn ra hết sức tốt đẹp, bởi chúng tôi đã đến đây hai năm trước nhưng không trèo tới đỉnh. Vì thế, thành công lần này mang rất nhiều ý nghĩa” - Ward nói.

“Câu lạc bộ 8.000”

Bằng việc chinh phục Shishapangma, Lock đã trở thành người thứ 18 trên thế giới leo lên đủ 14 đỉnh núi cao nhất hành tinh có độ cao trên 8.000m và là người Australia đầu tiên làm được việc này. Cái tên “Câu lạc bộ 8.000” được lập ra sau khi Reinhold Messner, người Italy, hoàn tất việc chinh phục 14 đỉnh núi nói trên vào năm 1986.

Có thể nói Reinhold Messner (hiện 65 tuổi) là người sinh ra để leo núi. Năm 13 tuổi, ông đã bắt đầu học leo núi cùng người em trai Gunther kém mình 2 tuổi. Kể từ những năm 1960, Messner đã cổ súy cho việc leo lên các đỉnh núi trên dãy Himalaya với điều kiện mang theo ít trang thiết bị và nhận được sự giúp đỡ tối thiểu từ người khác. Messner, giống nhiều người đam mê leo núi khác, cho rằng việc rồng rắn kéo cả đoàn đi chinh phục chỉ một đỉnh núi là thiếu tôn trọng thiên nhiên và coi thường chính ngọn núi đó.

Năm 1970, cả ông và người em trai Gunther đều lên tới đỉnh núi Nanga Parbat. Nhưng Gunther chết sau đó 2 ngày trên đường trở xuống. Bản thân Reinhold Messner thì mất 6 ngón chân do bị bỏng lạnh. Ông đã bị chỉ trích là cố tình leo lên ngọn núi nguy hiểm cùng người em còn thiếu kinh nghiệm và đã bỏ mặc Gunther để xuống núi một mình. Lời buộc tội này mãi về sau mới được xóa khi người ta tìm thấy xác của Gunther vào năm 2005. Kết quả kiểm tra cho thấy Gunther đã bị một trận lở tuyết cuốn đi.

Đứng dậy từ nỗi đau, năm 1975 Messner chinh phục đỉnh Gasherbrum I. Năm 1978, ông và một bạn leo núi đã lên tới đỉnh Everest mà không cần sử dụng bình oxy. Đây là lần đầu tiên có người lập được kỳ tích này. Năm 1980, Messner đã một mình leo lên Everest, giữa mùa mưa và không dùng bình oxy. Tới năm 1986, ông là người đầu tiên chinh phục toàn bộ 14 đỉnh núi cao nhất thế giới mà không dùng bình oxy.

Một năm sau thành tích của Messner, Jerzy Kukuczka trở thành người thứ hai chinh phục thành công cả 14 đỉnh núi này. Cho tới nay mới chỉ có 18 người lập được thành tích đó. Việc có mặt trong “bảng vàng”, vì thế, là vinh dự rất lớn với các vận động viên leo núi.

Lock hiện đang lên kế hoạch chinh phục đỉnh Everest lần thứ 3 và đây sẽ là lần đầu tiên ông không mang theo bình oxy. “Đó là điều tôi đã muốn làm trong suốt một thời gian dài. Chúng ta hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra,” Lock nói./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục