Sự trở về của những linh hồn phiêu dạt

“Đó là nghĩa vụ mà tôi không thể chối từ. Đó cũng là cách kết thúc cuộc chiến cho tôi và cho cả Homer,” Nhà văn Mỹ Wayne Karlin mô tả.
“Đó là nghĩa vụ mà tôi không thể chối từ. Đó cũng là cách kết thúc cuộc chiến cho tôi và cho cả Homer.” Nhà văn Mỹ Wayne Karlin – một cựu binh trong cuộc chiến Việt Nam – mô tả như vậy với Vietnam+ về cuốn sách mà ông sắp xuất bản tại Mỹ cuối tháng 9 này.
 
“Wandering souls” (tạm dịch là “Những linh hồn phiêu dạt”) viết về hai linh hồn phiêu dạt – linh hồn của người lính cộng sản đã hy sinh trong cuộc đọ súng mặt đối mặt với viên trung úy Mỹ - người sau này đã sống trong day dứt trong gần suốt 40 năm cho tới khi trao trả lại kỷ vật của người lính trẻ anh đã giết cho gia đình người đó.
 
Những linh hồn phiêu dạt
 
19/3/1969, Trung úy Homer R. Steedly, Jr., phục vụ trong Sư đoàn Bộ binh số 4 tham chiến chủ yếu tại bắc Tây Nguyên và đường mòn Hồ Chí Minh đã bắn chết một người lính quân y Bắc Việt tên Hoàng Ngọc Đảm khi họ chạm trán tại một đường mòn trong rừng. Homer đã giữ cuốn nhật ký của người lính trẻ và gửi về cho mẹ ở quê nhà để cất giữ. 35 năm sau, ông tìm lại cuốn nhật ký và bắt đầu đối mặt với chính những ký ức bị câm nín về cuộc chiến tranh – cuộc chiến đã quyết định cuộc đời ông - và quyết định trở lại Việt Nam tìm gặp gia đình của người lính Việt cộng năm xưa xin họ tha thứ.
 
Nếu như linh hồn của người lính Việt Nam năm xưa vẫn còn đang phiêu diêu trong cõi hư vô, chưa được trở về với quê hương đất tổ cho tới ngày mộ phần của anh được truy tập năm 2008, thì ở bên kia bán cầu, trong suốt 35 năm chiến tranh, cũng có một linh hồn của một người còn đang sống ngày đêm day dứt, ăn năn với ký ức về gương mặt của người lính trẻ mình đã tự tay bắn chết.
 
“Rất nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc, Homer bị chấn thương tâm lý nặng nề. Mỗi khi anh ấy muốn nói chuyện với mọi người, không ai muốn lắng nghe. Họ thậm chí nhìn anh ấy như một kẻ kỳ quặc mỗi khi anh ấy muốn nói về cuộc chiến,” Wayne Karlin nói.
 
Trong suốt một thời gian dài, Homer tự cô lập mình và tham gia những môn thể thao mạo hiểm như nhảy dù từ máy bay, từ hang đá hay đua xe mô tô như muốn tự kết liễu đời mình.
 
“Những cái chết và những tổn thương gây ra dưới sự chỉ huy của tôi vẫn còn ám ảnh ký ức tôi,” Wayne Karlin trích lời Homer nói. “Tôi mong rằng chúng sẽ là nằm trong những ký ức vụt qua trước mắt tôi khi tôi nằm xuống. Tôi cảm thấy tội lỗi vì đã sống sót trở về.”

Từng là một một pháo binh hải quân tình nguyện tham gia chiến đấu ở Việt Nam, nhà văn Wayne Karlin nói rằng đối với ông, những ám ảnh về cuộc chiến đỡ nặng nề hơn Homer vì ông được viết về cuộc chiến này với một nhận thức chín chắn hơn, đầy đủ hơn.
 
“Chúng tôi bước vào cuộc chiến với niềm tin chúng tôi đang giúp người dân muốn đấu tranh vì dân chủ để được độc lập trước sự xâm lược của cộng sản. Chúng tôi nghe những điều như vậy ngay từ khi còn học ở trường, vì thế tôi đã tin vào điều đó,” Wayne Karlin tâm sự.
 
“Nhưng khi vào cuộc, tôi nhận ra rằng chúng tôi làm tổn hại tới người dân Việt Nam hơn là giúp đỡ họ… Có quá nhiều người đã phải chết. Khi giải ngũ về nước, tôi bắt đầu đọc rất nhiều để có được bức tranh rộng hơn về cuộc chiến, để rồi hiểu ra rằng chúng tôi đã chiến đấu chống lại những con người đang đấu tranh giành độc lập từ chúng tôi. Tôi không muốn là một phần của cuộc chiến đó.”
 
35 năm để kết thúc một cuộc chiến
 
Khi Wayne Karlin hoàn thành cuốn sách vào năm 2009 cũng là lúc phần mộ liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm được đưa về quê nhà và Homer cũng đã hoàn thành tâm nguyện của mình là tự tay thắp nén hương lên bàn thờ người y tá bên kia chiến tuyến bị ông giết, tự nói lời xin lỗi gia đình anh và cùng gia đình anh tìm lại con đường mòn diễn ra cuộc đọ súng năm xưa.
 
Cuối cùng, linh hồn của người lính hy sinh đã trở về và tâm hồn người lính Mỹ sống sót sau chiến tranh cũng tìm lại được sự bình yên. Đó là một sự thanh thản lớn đối với gia đình của người lính cộng sản bị Homer bắn chết, và cả đối với cựu binh Mỹ, Homer Steedly.
 
Nhà văn Wayne Karlin nói rằng cuốn sách không chỉ là công việc ông phải làm, nó còn là cách kết thúc cuộc chiến dai dẳng trong ông và Homer trong suốt 35 năm qua. Nhưng là một nhà văn, Wayne cho biết chưa khi nào ông cảm thấy hoàn toàn thanh thản trong tâm hồn bởi công việc của ông là tiếp tục viết, là tìm hiểu cái gì giúp vơi đi nỗi ẩn ức cho tâm hồn chưa được thanh thản của nhiều người.
 
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Wayne Karlin có ghé thăm hai ngôi trường do quỹ Dove Fund của những cựu binh Mỹ, trong đó có ông, tài trợ ở hai làng Ái Tử và Cẩm Thành ở Quảng Trị.
 
Hai ngôi trường, một là trường mầm non và một là trường tiểu học, nằm ở khu vực rất nghèo của tỉnh Quảng Trị - chiến trường năm xưa. Một phần kinh phí cho việc xây dựng hai ngôi trường này được lấy từ lợi nhuận của những cuốn sách mà Karlin và các đồng đội viết về cuộc chiến ở Việt Nam.
 
Trước cuốn “Những linh hồn phiêu dạt,” Wayne Karlin đã viết 7 tiểu thuyết và hai tác phẩm văn học hiện thực về đề tài chiến tranh Việt Nam.
 
Ông là biên tập của tập hợp những cuốn sách “Tiếng nói từ Việt Nam” do nhà xuất bản Curbstone Press ấn hành và nhiều tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam về đề tài chiến tranh.
 
Là giáo sư trường đại học Southern Maryland, ông đang tiếp tục công việc của một người hàn gắn vết thương chiến tranh và đưa sinh viên Mỹ xích lại gần hơn với Việt Nam bằng việc dẫn một đoàn sinh viên sang thăm để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam./.
 
Cuốn sách “Wandering souls” (Những linh hồn phiêu dạt) được Nhà xuất bản Thông tấn thuộc TTXVN mua bản quyền và dự kiến ra mắt độc giả vào đầu năm 2010.
Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục