Cấm nhập khẩu nội tạng động vật làm thực phẩm

Cục Thú y và Trung tâm Thú y vùng VI đã công bố hai văn bản yêu cầu từ nay các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu sản phẩm pín và nội tạng động vật để làm thực phẩm.
Ngày 23/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung tâm Thú y vùng VI đã công bố hai văn bản yêu cầu từ nay các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu sản phẩm pín và nội tạng động vật để làm thực phẩm cho người.

Các loại tim, gan, thận thì được kiểm dịch nhập khẩu trên cơ sở đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.

Các văn bản trên được đưa ra sau khi hàng loạt lô hàng thực phẩm nhập khẩu, chủ yếu là các loại thịt đông lạnh (đùi, cánh gà), nội tạng (tim, gan, thận) và pín.... được ngành chức năng phát hiện nhiễm khuẫn và không ghi rõ thời hạn sử dụng.

Theo các văn bản này, những lô hàng đã nhập về nhưng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Y tế buộc phải tái xuất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phải tiêu hủy.

Những lô hàng đã được kiểm dịch xuất khẩu (tại cửa khẩu của nước xuất khẩu) đang trên đường về Việt Nam, nếu không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y sẽ tiếp tục được chiếu xạ và xét nghiệm lại. Những sản phẩm này phải được dán nhãn “sản phẩm đã được chiếu xạ”.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI cho biết, hiện nay phí tiêu hủy 1kg cánh gà là 7.000 đồng. Nếu sử dụng phương pháp chiếu xạ cũng phải mất 2.000 đồng/kg.

Nhiều lô hàng thịt nhập, phía xuất khẩu chỉ ghi ngày sản xuất chứ không quy định rõ thời hạn sử dụng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã tự quy định thời hạn sử dụng từ 12 - 18 tháng kể từ ngày nhập, điều này có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục