Hàn Quốc đề xuất thỏa thuận lợi lớn cho Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc đề xuất trao "thỏa thuận có lợi lớn" cho Triều Tiên để từ bỏ chương trình hạt nhân, đổi lấy viện trợ và an ninh.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 21/9 đã đề xuất trao cho Triều Tiên một "thoả thuận có lợi lớn" để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ và những đảm bảo an ninh, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng rằng đây có thể là đề nghị cuối cùng.

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York (Mỹ) trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn diện và thống nhất nhằm giải quyết cơ bản vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thông qua đàm phán sáu bên, Triều Tiên loại bỏ các yếu tố cơ bản trong chương trình hạt nhân của nước này, sau đó các nước liên quan sẽ cung cấp các bảo đảm an ninh và viện trợ quốc tế.

Theo ông Lee Myung-bak, đây là một thỏa thuận có lợi lớn và là cách duy nhất để Bình Nhưỡng đảm bảo sự tồn tại của mình. Ông nhấn mạnh Triều Tiên "không nên bỏ qua điều có thể là cơ hội cuối cùng này".

Cũng tại New York cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thảo luận việc duy trì khuôn khổ đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ giữa bà Clinton với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, cho biết hai bên đều mong muốn duy trì liên lạc chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên, nhất trí một số nguyên tắc chỉ đạo trong hợp tác nhằm giải quyết vấn đề này những tháng tới đây, trong đó có phản ứng đối với đề xuất của Bình Nhưỡng hội đàm song phương với Washington - điều mà lâu nay phía Mỹ vẫn bác bỏ.

Ông Campbell nhấn mạnh vấn đề cốt yếu là các bên quay lại khuôn khổ đàm phán sáu bên và khuyến khích Triều Tiên chấp nhận điều đó.

Theo ông, hai bên ghi nhận rằng nếu Mỹ trong tương lai gần quyết định có một số giao tiếp song phương với Triều Tiên, đó  sẽ là một phần trong tiến trình trở lại khuôn khổ đàm phán sáu bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục