Lâm tặc hoành hành ở rừng phòng hộ Hoài Ân

Địa bàn rộng nhưng lực lượng kiểm lâm lại mỏng, rừng Hoài Ân (Bình Định) đang từng ngày chứng kiến sự hoành hành của lâm tặc.
Tổng diện tích rừng thuộc huyện Hoài Ân (Bình Định) khoảng gần 35.000ha nhưng Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân chỉ có 22 người, trong đó có 18 nhân viên đứng chân ở các xã; bình quân mỗi người phải kiểm soát và bảo vệ gần 2.000ha.

Lâm tặc: Liều lĩnh và manh động

Việc đứng chân quản lý rừng thường xuyên được luân phiên nhau. Địa bàn rộng đã khổ, nhưng nan giải nhất vẫn là kiểm lâm viên phải đối mặt với sự liều lĩnh và manh động của lâm tặc.

Không chỉ khai thác ở rừng Ân Nghĩa, Ân Tường Đông, Ân Hữu…thuộc huyện Hoài Ân, lâm tặc còn tràn cả sang khoảng rừng Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), Cát Sơn (huyện Phù Cát), An Toàn (huyện An Lão)…, trong đó bao gồm gỗ các loại thuộc nhóm I đến nhóm VIII của rừng nguyên sinh và cả Keo Lá Tràm thuộc các rừng phòng hộ đầu nguồn.

Điểm cuối cùng để “hóa kiếp” những súc gỗ khai thác lậu này chủ yếu là các xưởng cưa tại các huyện Hoài Nhơn hoặc ngay chính tại Hoài Ân. Phương thức đối phó của lâm tặc đối với cơ quan chức năng rất linh hoạt, khi cần chúng sẽ chống trả quyết liệt.

Thông thường lâm tặc cử người theo dõi “nhất cử nhất động” tại các chốt trạm kiểm lâm và nhân viên kiểm lâm. Khi biết kiểm lâm đi kiểm tra, chúng sẽ ém kỹ gỗ tại các địa điểm ven rừng hoặc nhà dân.

Lúc thời cơ thuận lợi, chúng vận chuyển thành từng tốp trên dưới gần 10 xe và làm ám hiệu cho nhau khi có "động" để các xe chở gỗ tẩu tán. Khi bị truy đuổi, hoặc bị tố giác, những kẻ này sẽ chống trả đến cùng.

Anh Hoài, nhân viên kiểm lâm thuộc trạm Ân Tường Đông nhớ lại: "Hôm ấy tôi đang nằm trên võng để hóng mát trước hạt kiểm lâm thì bất ngờ một người đàn ông xông thẳng vào trạm và đạp thẳng vào bụng tôi, sau đó tiếp tục đấm đá túi bụi, miệng chửi: Ai cho mày chặn bắt gỗ tụi tao, mày mới về nên hăng máu quá hả, tao đánh cho mày chết luôn...”.

Trước tình thế ấy, anh Hoài tìm cách thoát thân và chạy vòng ra ngõ sau của “Hạt” để gọi đồng đội ứng cứu. Thấy Hạt kiểm lâm có thêm người và được trang bị súng nên người đàn ông mới bỏ chạy ra đường và lên xe đồng bọn để tẩu thoát.

Một mình chống lại "giặc rừng"

Trong cuộc chiến chống lâm tặc, các nhân kiêm kiểm lâm chưa được sự hỗ trợ hết mình của nhân dân và các cơ quan chức năng khác. Phần lớn người dân không dám tố giác việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu vì sợ bị trả thù, thêm vào đó, ít nhiều họ cũng có người thân tham gia.

Anh T, người đã nhiều lần gọi điện để báo cho kiểm lâm biết việc vận chuyển gỗ lậu kể: “Hôm ấy tôi đi từ Bồng Sơn về, một chiếc xe tải ép tôi lọt luôn xuống ruộng, những tưởng là chuyện tai nạn tình cờ. Ai ngờ mấy hôm sau gã tài tế xe ấy chỉ mặt tôi và bảo: Cái mạng mày còn lớn đấy, mày mà còn gọi điện báo kiểm lâm bắt bọn tao chở gỗ thì lần sau tao cán chết”.

Để đối phó với tình trạng khai thác gỗ ngày càng dữ dội này, lực lượng kiểm lâm huyện Hoài Ân đã thường xuyên tuần tra cả ngày lẫn đêm; phối hợp với các đoàn công tác liên ngành của huyện và các xã tổ chức truy quyết trên các cánh rừng xung yếu, rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng tình hình khai thác gỗ trái phép không hề thuyên giảm.

Chỉ tính trong 9 tháng năm 2009, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân đã lập biên bản 114 vụ (tăng hơn 34 vụ so với cùng kỳ năm 2008), thu giữ 100, 926 m3 gỗ thuộc nhóm I đến nhóm VIII và 414kg than hầm; tạm giữ 10 xe ôtô; 46 xe môtô và 12 chiếc xe đạp…nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được lâm tặc.

Để những cánh rừng phòng hộ thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ, rất cần các cơ quan chức năng và mọi người dân trên địa bàn chung tay góp sức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục