Con người có chung tổ tiên với đười ươi

Các nhà khoa học Mỹ khẳng định loài người có nhiều nét rất giống với loài đười ươi, đặc biệt là ở vành tai, một số vùng trong não bộ...
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một giả thuyết mới về nguồn gốc loài người, trong đó khẳng định con người có chung một tổ tiên với đười ươi.
 
Trong công trình nghiên cứu công bố trên "Tạp chí Địa sinh học", hai nhà khoa học Jeffrey H.Schwartz thuộc đại học Pittsburgh và John Grehan, Giám đốc Bảo tàng khoa học Buffalo, cho rằng loài người và đười ươi có nhiều đặc điểm giống nhau hơn nhiều so với loài tinh tinh.
 
Hai nhà khoa học đã nghiên cứu chi tiết về các đặc điểm cơ thể của loài khỉ không đuôi hóa thạch và khỉ không đuôi ngày nay để đi tới kết luận rằng loài người, đười ươi, và khỉ không đuôi sơ khai đều thuộc về một nhóm tách bạch với tinh tinh và gorilla.
 
Sau đó họ xây dựng một giả thuyết về quá trình tổ tiên chung của loài người và đười ươi di cư giữa Đông Nam Á, nơi đười ươi hiện tại sinh sống và các phần khác của thế giới, rồi dần tiến hóa thành khỉ không đuôi đã tuyệt chủng và loài người sơ khai.
 
Hai nhà khoa học nói trên đã xem xét kỹ lưỡng hàng trăm đặc điểm cơ thể được coi là bằng chứng tiến hóa giữa con người và khỉ không đuôi cỡ lớn - tinh tinh, gorilla và đười ươi, và lựa chọn ra 63 đặc điểm được coi là đặc trưng và duy nhất trong nhóm này, tức không xuất hiện ở bất kỳ loài linh trưởng nào khác.
 
Trong số đó, qua phân tích cho thấy con người có chung 28 đặc điểm đặc trưng với đười ươi, 2 đặc điểm đặc trưng chung với tinh tinh, 7 với gorilla và 7 với cả 3 loài này.

Ông Grehan khẳng định loài người có nhiều nét rất giống với loài đười ươi, đặc biệt là ở vành tai, một số vùng trong não bộ, râu và ria mép...
 
Hai nhà khoa học cho rằng những đặc điểm cơ thể giống nhau nói trên giữa con người và đười ươi từ lâu đã bị lu mờ trước những phân tích phân tử liên hệ con người với tinh tinh.
 
Theo họ, những giả thuyết phổ biến trước đây cho rằng con người có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với tinh tinh dựa trên phân tích ADN chưa mang tính thuyết phục và cần được xem xét lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục