Ca nương 82 tuổi vẫn say mê với hát ca trù

Sinh ra trong một gia đình truyền thống 5 đời hát ca trù, cụ Nguyễn Thị Thiệp đã để lại tiếng thơm về một ca nương tài danh xứ Bắc.
Tại Liên hoan các câu lạc bộ ca trù toàn quốc vừa diễn ra, ca nương Nguyễn Thị Thiệp, 82 tuổi, thuộc câu lạc bộ ca trù thôn Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được Ban tổ chức trao huy chương vàng.

Hai ca nương khác của câu lạc bộ Thanh Khương là Kim Tuyến và Thanh Tân được trao huy chương bạc.

Đây là lần thứ hai tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc (do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức), nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp được trao huy chương vàng trước sự ngưỡng mộ và cảm phục của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Có được thành quả này, nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp đã phải trải qua rất nhiều thời gian luyện rèn vất vả công phu với niềm khát khao lưu giữ, bảo tồn cho được một tài văn hóa nghệ thuật quý của cha ông đang đứng trước nguy cơ mai một.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát ca trù, năm 13 tuổi cụ Thiệp từng theo anh, chị đi hát ở rất nhiều nơi. Những năm ca trù thịnh vượng cụ Thiệp cùng gánh hát tham gia nhiều đợt biểu diễn trên đất Thăng Long - Hà Thành vào dịp mừng xuân, đón chào năm mới, để lại tiếng thơm về một ca nương tài danh xứ Bắc.

Cụ Thiệp rất am hiểu ca trù và có thể hát thuần thục được hàng trăm bài với nhiều chất giọng khác nhau. Sự hòa quyện, ăn ý giữa giọng ca của cụ với nhịp đàn, nhịp phách thể hiện rất rõ tiêu chí chuẩn mực của loại hình nghệ thuật vừa mang tính chất dân gian vừa mang tính chất bác học rất cao.

Năm 2003, cụ Thiệp và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Trọng Lộ trong làng chủ động đứng ra thành lập đội hát ca trù Thanh Khương với mục đích ban đầu chỉ là hát ca trù để cho đỡ nhớ. Hàng đêm vào lúc nông nhàn các cụ thường tụ tập tại nhà cụ Lộ để cùng ca những bài ca yêu thích.

Khi ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có nhiều cố gắng bảo tồn gìn giữ ca trù bằng cách tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng từ cơ sở , khuyến khích các tiết mục ca trù của các nghệ nhân, đào nương , tạo điều kiện cho nhiều người được học hát ca trù theo chương trình của Cục văn hóa Thông tin cơ sở... thì câu lạc bộ ca trù Thanh Khương bắt đầu hoạt động một cách nền nếp.

Người dân trong thôn tự nguyện đóng góp một phần kinh phí cho đội ca trù mua sắm nhạc cụ chuyên dùng, động viên con em tham gia sinh hoạt. Đội ca trù từ chỗ chỉ có năm bảy người cao niên đã tập hợp thêm được gần 20 người trẻ tuổi và cả các cháu thiếu niên, nhi đồng vừa có năng khiếu vừa có nhiệt tình ca hát.

Cụ Thiệp nhiệt tình truyền dạy cho lũ cháu con từng lời ca, nhịp phách. Theo cụ Thiệp, khi nói đến ca trù không thể không nhắc tới các đào nương bởi họ chính là người chuyển tải và thể hiện các hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù.

Để trở thành một đào nương cần phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc, tri thức âm nhạc, kiến thức văn thơ, lòng đam mê và ý thức bền bì, kiên trì. Chính vì vậy cụ mong muốn đem hết khả năng hiện có truyền lại cho thế hệ trẻ trong thôn.

Theo sự dạy bảo của cụ, nhiều ca nương trẻ như Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Kim Tuyến... đã học hát thành công và đang có khá nhiều triển vọng.

Việc truyền dạy ca trù cho lớp trẻ chính là sự đóng góp rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục