Xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu lạc quan

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, bức tranh xuất khẩu đã có dấu hiệu sáng sủa hơn với sự hồi phục và tăng trưởng của nhiều mặt hàng trong tháng 7.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 24/7 cho thấy bức tranh xuất khẩu đã có dấu hiệu sáng sủa hơn với sự hồi phục và tăng trưởng của nhiều mặt hàng trong tháng 7.

Không chỉ dệt may và thủy sản có mức tăng tương đối trong tháng 7, phần lớn các mặt hàng thuộc nhóm nông - thủy sản, giày dép, sản phẩm mây tre đan đều đã nhích lên chút ít. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn liên miên, sụt giảm mạnh từ đầu năm do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy không tăng trong tháng 7 nhưng gạo vẫn duy trì vị trí mặt hàng chủ lực duy nhất giữ được đà tăng trưởng từ đầu năm với gần 4,3 triệu tấn trong 7 tháng, thu về xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng trên 46% về lượng và trên 4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Một mặt hàng được kỳ vọng khác là dệt may cũng chỉ còn giảm khoảng 1% với trên 5 tỷ USD trong 7 tháng. Bên cạnh đó, hoạt động tái xuất khẩu sang một số nước châu Âu đã mang về mức tăng trưởng bất ngờ cho sản phẩm đá quý và kim loại quý với trên 2,6 tỷ USD trong 7 tháng, nhiều gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sự nhích lên của một số mặt hàng này vẫn chưa thể cứu vãn kim ngạch xuất khẩu nói chung trong 7 tháng đầu năm khỏi xu hướng giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 7 tháng vẫn chỉ đạt trên 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các mặt hàng chủ lực bị sụt giảm phải kể đến mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là dầu thô với mức giảm sâu nhất, gần 45%, tiếp đến là cao su trên 43%, than đá 18%, hạt điều 17,7% và càphê gần 16%.

Ngoài ra, một điều đáng lo ngại khác là trong khi xuất khẩu tiếp tục gặp khó thì nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng đẩy nhập siêu của tháng 7 lên tới 1,25 tỷ USD, cao nhất trong 4 tháng trở lại đây. Tính chung cả 7 tháng, con số này là xấp xỉ 3,4 tỷ USD, chiếm 10,5% kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương vẫn xác định việc cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo và chế biến để gia tăng giá trị, phát triển các mặt hàng mới là những giải pháp quan trọng trong những tháng còn lại để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 64,57 tỷ USD và duy trì nhập siêu ở mức 10 - 12 tỷ USD./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục