Hội nghị G-8: Khó tìm lời giải cho vấn đề toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8)  dự kiến diễn ra từ ngày 8-10/7 tại thành phố L'Aquila của Italy.
Sự ổn định của nền kinh tế thế giới, quy tắc tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, thương mại, an ninh lương thực và viện trợ sẽ là những chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), dự kiến diễn ra từ ngày 8-10/7 tại thành phố L'Aquila của Italy.

Các cuộc thảo luận về tình hình khủng hoảng tài chính "mở màn" hội nghị được dự đoán sẽ kết thúc bằng một tuyên bố nhấn mạnh những tín hiệu ổn định ở các nền kinh tế lớn và một thông điệp tích cực về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Các chính sách kích thích kinh tế, từng được coi là chiến lược thoát khỏi suy thoái, cũng sẽ được bàn thảo, và các nhà lãnh đạo G-8 khuyến cáo còn quá sớm để đoạn tuyệt những biện pháp này.

Hiến chương quốc tế về qui tắc tài chính do các bộ trưởng tài chính G-8 soạn thảo tháng trước, bao gồm một loạt vấn đề từ thuế, quản lý công ty, hoạt động ngân hàng, thương mại, tham nhũng và điều phối thị trường tài chính, được cho sẽ là vấn đề "gai góc", khó có thể được thông qua tại hội nghị này.

Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ là "bước đệm" để thu hẹp bất đồng giữa các "ống khói" lớn nhất thế giới xung quanh kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tài trợ cho chương trình phát triển công nghệ "xanh", ít thải khí CO2, nhằm đi đến một thỏa thuận mới tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Đan Mạch vào tháng 12 tới.

Các nước G-8 có thể nhất trí với mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không nóng lên quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp (cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19) và sẽ hiện thực hóa mục tiêu đã được thỏa thuận hồi năm ngoái là giảm một nửa lượng khí CO2 trên toàn cầu vào năm 2050, so với thời điểm vấn đề này được đưa ra thảo luận vào năm 1990.

Mặc dù thừa nhận mục tiêu trên là tham vọng, song Italy, Pháp và Anh trước thềm hội nghị đã kêu gọi các nước công nghiệp hàng đầu hướng tới mục tiêu giảm tới 80% lượng khí CO2 vào năm 2050 để đổi lấy sự hưởng ứng từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Dù đã được xác định là "trách nhiệm tinh thần", mục tiêu 50% xem ra khó được thông qua tại MEF, vốn chiếm khoảng 80% lượng khí thải CO2 toàn cầu, do nước chủ trì là Mỹ đến phút chót vẫn phản đối cắt giảm mạnh.

Trước sức ép tăng cường viện trợ cho các nước đang phát triển, Hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm để giám sát khả năng quản lý quỹ đảm bảo an ninh lương thực.

Trước hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Franco Frattini cam kết G-8 sẽ lập nguồn quỹ ít nhất 15 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực cho châu Phi.

Điều đáng chú ý là Anh tuyên bố không cắt giảm viện trợ nước ngoài bất chấp suy thoái kinh tế trong nước, và sẽ hối thúc các nước giàu khác hành động tương tự.

Hội nghị cũng sẽ tìm cách thúc đẩy vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu, bị ngừng trệ từ năm ngoái do bất đồng giữa Mỹ và các nước đang phát triển về vấn đề trợ giá nông nghiệp. Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị phản đối các chính sách bảo hộ và các trở ngại buôn bán mới.

Hai ngày trước hội nghị, các nước tài trợ cam kết ủng hộ các nguồn quỹ dành cho Chương trình khai thông thương mại toàn cầu (GTLP) trị giá 50 tỷ USD, trước hết sẽ phân bổ cho các công ty xuất và nhập khẩu ở các nước đang phát triển như một giải pháp nhằm ngăn chặn chiều hướng thương mại sụt giảm ở khu vực này.

G-8 hy vọng vòng đàm phán Doha sẽ kết thúc vào năm 2010, nhưng Brazil đánh giá thấp khả năng khai thông vòng đàm phán tại hội nghị ở L'Aquila.

Các chủ đề "nóng" khác như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, vấn đề tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và giá dầu mỏ được cho là sẽ ít thu hút sự chú ý của những người tham dự.

Ngoài các nền kinh tế mới nổi, Hội nghị thượng đỉnh G-8 năm nay lần đầu tiên đã mời Ai Cập đại diện cho tiếng nói của các nước Hồi giáo.

Dù thành phần tham dự và chủ đề thảo luận đều được mở rộng, ít có khả năng Hội nghị thượng đỉnh G-8 và MEF đưa ra được tuyên bố cụ thể. Một số bất đồng vẫn tồn tại bởi qui chế hoạt động của G-8 cho phép các nước thành viên thực hiện cam kết trên cơ sở tự nguyện, trong khi ngân sách các nước đều bị "dàn trải" để đối phó với những khó khăn trong nước.

Chưa kể, một số nước nghèo, đặc biệt ở châu Phi, đang hoài nghi chính sách kinh tế và động cơ hỗ trợ của các nước giàu. Họ đề nghị G-8 phát triển đường hướng tham vấn rộng rãi và hiệu quả hơn để gắn lợi ích của những nước này với các kế hoạch của G-8.

Dư luận nhìn chung ít hy vọng vào kết quả Hội nghị thượng đỉnh G-8 lần này, bởi trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, cơ cấu của G-8 dường như không còn phù hợp nữa.

Ngay cả một số nhà lãnh đạo Đức và Pháp, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel, đã phải thừa nhận rằng thể chế của G-8 đã "già cỗi", không còn "xứng tầm" để giải quyết hiệu quả các vấn đề quốc tế lớn, do đó cần phải được mở rộng với sự tham gia của một số nền kinh tế mới nổi./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục