Bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể tạo đột phá

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cả về quy mô, tiềm lực, trình độ, công nghệ, nguồn nhân lực đều chưa đủ sức để tạo đột phá.
Những năm gần đây, ngành bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, song cả về quy mô, tiềm lực, trình độ, công nghệ, nguồn nhân lực đều chưa đủ sức để tạo ra bước đột phá nhằm phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, nếu như năm 1999, thị trường này mới chỉ có 20 sản phẩm bảo hiểm thì đến nay, khối bảo hiểm phi nhân thọ đã có 600 sản phẩm do doanh nghiệp bảo hiểm đăng ký với Bộ Tài chính.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn rất lớn mà chưa khai thác được. Nhiều lĩnh vực bảo hiểm hầu như bỏ trống như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, thậm chí với loại bảo hiểm bắt buộc như trách nhiệm dân sự chủ xe môtô, tỷ lệ tham gia bảo hiểm chỉ chiếm chưa đến 30%...

Doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 2,5% GDP (thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và các nước có nền kinh tế phát triển).

Ông Bùi Đức Song, Tổng Giám đốc công ty cổ phần bảo hiểm SHB-Vinacomin thừa nhận, hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa thực sự chú trọng đến tầm nhìn chiến lược lâu dài, mà chỉ ở mức độ trung và ngắn hạn, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm truyền thống bởi có thể triển khai ngay do có sẵn thị trường, sẵn khách hàng.

Một vấn đề nữa là hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đều là công ty cổ phần, nên sức ép về hiệu quả, cổ tức cũng đặt ra hơn bao giờ hết. Việc mở rộng các sản phẩm bảo hiểm mới yêu cầu phải có đầu tư, có thời gian và thậm chí sự mạo hiểm và liên quan đến trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật.

Theo đánh giá của Công ty tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam phát triển chưa cơ bản, chưa đồng đều mà một trong những nguyên nhân chính là bảo hiểm vẫn là một lĩnh vực quá mới mẻ.

Một ví dụ cho thấy, nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp gần như vẫn còn nguyên bản”. Hiện nay Bảo Việt chỉ tiến hành bảo hiểm nông nghiệp với tính chất là cho có (nghiệp vụ này thực hiện hàng chục năm nay nhưng chưa có lãi)

Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài lại cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cần biến những thách thức và khó khăn thành cơ hội bằng việc khẳng định vai trò của mình khi đem đến sự bảo vệ và an toàn tài chính thông qua những sản phẩm bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Biến tiềm năng thành cơ hội

Có một thực tế là khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hầu hết các doanh nghiệp và nhà đầu tư cắt giảm chi tiêu làm tỷ lệ phí bảo hiểm tụt giảm. Sự mất giá của các tài sản và thu hẹp phạm vi kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài làm cho tài sản và trách nhiệm tham gia bảo hiểm giảm mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu bảo hiểm.

Ngoài ra, tình trạng mất khả năng thanh toán của một bộ phận khách hàng giãn tiến độ đầu tư, đẩy công nợ phí bảo hiểm lên cao; người tiêu dùng tận dụng tối đa quyền lợi được bảo hiểm, kể cả trục lợi bảo hiểm làm tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tăng làm giảm hiệu quả kinh doanh bảo hiểm.

Tuy khó khăn như vậy nhưng sau khi đi được nửa quãng đường của năm 2009, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm vẫn đạt mức khá, dù không bằng năm 2008. Hoạt động khai thác bảo hiểm gốc tăng 11% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13,5%, nhân thọ tăng 8,4%.

Những nghiệp vụ được xem là chịu tác động đáng kể nhất là bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho các công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải bởi đây là những ngành không có khả năng đóng phí bảo hiểm hoặc nợ đóng phí bảo hiểm với số lượng lớn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do khó huy động vốn từ bên ngoài.

Mặc dù vậy, theo ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính, bảo hiểm vẫn tăng trưởng cao do chủ động áp dụng các biện pháp đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính, kết hợp với các biện pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, lành mạnh.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, mặc dù, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã có nhiều cơ hội hơn trong việc bán các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (vốn trước đây chỉ dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước), song miếng bánh thị phần xem ra vẫn chưa có thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Liberty Carlos Vanegas lại lạc quan cho rằng, bất chấp tình hình kinh tế suy giảm, các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2009 và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vẫn có nhiều cơ hội.

Hiện số người sở hữu xe hơi ở Việt Nam ngày càng tăng, trong khi đó mới chỉ có 30% khách hàng đăng ký mua bảo hiểm tự nguyện vật chất thân xe (loại hình bảo hiểm cơ bản nhất); bảo hiểm sức khỏe y tế ngày càng được quan tâm; thị phần bảo hiểm nhà, xưởng cũng đang được các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục