Chính phủ Indonesia ngừng cấp giấy phép đánh cá

Indonesia tạm ngừng cấp giấy phép đánh bắt cá cho các tàu cỡ lớn khi cá tại nhiều vùng biển nước này giảm mạnh do đánh bắt quá mức.
Trước thực trạng cá tại nhiều vùng biển của Indonesia giảm mạnh do đánh bắt quá mức, các nhà hoạt động đã kêu gọi chính phủ nước này tạm ngừng cấp giấy phép đánh bắt cá đối với các tàu cỡ lớn.

Theo báo Bưu điện Jakarta, Liên hiệp các dân tộc vì sự công bằng trong nghề cá (Kiara) đã cảnh báo Chính phủ rằng sự thất bại trong việc hạn chế đánh bắt cá tại các vùng biển của nước này sẽ dẫn tới hậu quả là sự thiếu cá trầm trọng từ năm 2015. Ước tính với tốc độ đánh bắt như hiện nay, mỗi năm trữ lượng cá ở các vùng biển của Indonesia giảm 30-50%.

Kiara cũng kiến nghị Chính phủ trong năm năm tới tạm ngừng cấp giấy phép đánh bắt cá đối với các tàu có trọng tải từ 30 tấn trở lên, cả tàu nước ngoài và trong nước.

Ông Riza Damanik, Tổng Thư ký Kiara, cho biết ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nhà chức trách đã áp dụng biện pháp tạm ngừng đánh bắt cá trong những thời gian nhất định để cho cá sinh sản.

Indonesia là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về sản xuất cá với khoảng 15 triệu ngư dân. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, số lượng cá tại sáu vùng biển thuộc lãnh hải của nước này đã giảm đến mức báo động. Sáu vùng biển của Indonesia thuộc về các khu vực Eo biển Malacca, Biển Đông , Biển Java, Biển Flores, Eo biển Makassar, Biển Thái Bình Dương và Biển Sulawesi.

Theo ông Riza, tại tất cả các vùng biển trên đang diễn ra nạn đánh bắt cá quá mức, song Chính phủ không có biện pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên biển này của mình. Hơn nữa, nhiều tàu đánh cá bằng lưới quét vẫn đang hoạt động tại những khu vực mà việc sử dụng loại lưới này bị coi là bất hợp pháp, như vùng biển ngoài khơi Đông Kalimantan, ở phía Bắc Indonesia.

Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm đánh cá bằng lưới quét từ năm 1980. Việc sử dụng lưới quét không chỉ làm giảm mạnh nguồn cá biển mà còn phá hoại cả những thảm san hô dưới đáy biển.

Chính phủ Indonesia nhiều lần thừa nhận rằng nạn đánh bắt cá trái phép, trong đó có cả tình trạng tàu nước ngoài thường xuyên vi phạm, diễn ra tràn lan ở các vùng biển của nước này.

Theo Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Fadel Muhammad, nhiều tàu nước ngoài đã xâm phạm lãnh hải Indonesia để đánh bắt trộm hải sản, không có giấy phép hoặc dùng giấy phép giả./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục