Dừng truyền hình analog

Chấm dứt dịch vụ truyền hình analog vào năm 2020

Việt Nam sẽ không cấp phép mới dịch vụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ tương tự và sẽ tập trung chuyển đổi sang công nghệ số.
Việt Nam sẽ không cấp phép mới dịch vụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ tương tự (analog) và sẽ tập trung chuyển đổi hệ thống này sang công nghệ số để bảo đảm đến năm 2020 chấm dứt sử dụng công nghệ analog.

Đây là một trong những nội dung cơ bản được nêu ra tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân trước khi trình Chính phủ ban hành.

Thực tế cho thấy, truyền hình trả tiền Việt Nam đang phát triển lộn xộn, manh mún với hơn 40 đơn vị tham gia. Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thẳng thắn cho rằng, tuy có nhiều đơn vị cung cấp truyền hình nhưng chất lượng chương trình ở nhiều đài, đặc biệt ở miền núi còn nghèo nàn. Ở nhiều đơn vị, chương trình tự sản xuất chiếm số ít và kém về chất lượng.

Do đó, để đảm bảo thị trường truyền hình dịch vụ truyền hình cáp phát triển bền vững theo hướng chất lượng, cạnh tranh bình đẳng, bản Quy hoạch nêu rõ sẽ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số trên toàn quốc và tối đa 5 doanh nghiệp trên phạm vi vùng không trùng nhau về địa lý.

Bên cạnh đó, sẽ hình thành 3-4 đơn vị cung cấp truyền hình Internet (IPTV), 3 doanh nghiệp cung cấp truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, 2 doanh nghiệp cung cấp truyền hình qua di động, 3 doanh nghiệp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ giá thành, tăng cường quản lý giá cước với doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho doanh nghiệp truyền hình trả tiền…

Đối với dịch vụ truyền hình quảng bá, bản Quy hoạch cũng nêu rõ sẽ không phát triển thêm dịch vụ truyền hình quảng bá tương tự mặt đất. Ưu tiên phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá số mặt đất, di động mặt đất, số vệ tinh, sử dụng kết hợp trên mạng viễn thông đã có sẵn phù hợp với định hướng số hóa và xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ…

Về tốc độ tăng trưởng, mục tiêu doanh thu dịch vụ quảng cáo phát thanh, truyền hình hàng năm từ 15 - 20%, đến năm 2020 doanh thu quảng cáo đạt khoảng từ 800 - 1.000 triệu USD, 70-80% hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đến mốc thời gian này, thị trường truyền hình sẽ cung cấp ổn định khoảng 70-80 kênh quảng bá, trong đó có 10-15 kênh phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia, 60-65 kênh phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu địa phương./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục