Nguy cơ mất thị trường lao động xuất khẩu Đài Loan

Hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan đang có nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam.
Đài Loan là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Từ tháng 11/1999 đến nay, Việt Nam đã đưa khoảng trên 250.000 lượt người sang làm việc tại Đài Loan, bình quân khoảng gần 23.000 lao động mỗi năm. Tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động sang làm việc tại Đài Loan hiện nay đang nổi lên những hạn chế lớn, phức tạp, đang là mối quan tâm của cả hai phía Việt Nam và Đài Loan và có thể gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động và chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình hình lao động Đài Loan, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh từ năm 2003 đến nay, bình quân khoảng 6.600 lao động bỏ trốn/năm (550 lao động/tháng). Tỷ lệ lao động bỏ trốn hiện nay là 8%/năm. Trong số đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao nhất nằm ở những lao động sắp hết hạn hợp đồng, không muốn về nước. Nguyên nhân của việc ngày càng có nhiều lao động bỏ trốn là do người lao động đi làm việc tại Đài Loan phải chịu mức chi phí cao. Theo số liệu điều tra thực tế của Uỷ ban lao động Đài Loan đối với lao động các nước nhập cảnh tại sân bay trong năm 2010 và năm 2011 thì mức phí của người lao động Việt Nam phải bỏ ra trung bình khoảng 5.600-6.000 USD, thậm chí một số lao động bị thu 6.500-7.000 USD/người. Trong đó, phần chênh lệch khoảng 1.800-2.500 USD cao hơn so với quy định là phần tiền môi giới. Mức chi phí này cao hơn so với chi phí mà lao động Thái Lan, Philippines và Indonesia phải bỏ ra. Mặt khác, theo thông tin từ Cục Quản lý lao động, mấy năm gần đây, Việt Nam còn có quá nhiều đầu mối tuyển chọn đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan dẫn tới không quản lý được lao động chặt chẽ. Hiện nay có tổng cộng 67 doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan do chính quyền sở tại cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh, trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo để tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động đi làm việc tại Đài Loan. Như vậy, cả nước hiện có khoảng hơn 300 đầu mối đầu mối thực hiện việc đưa lao động đi làm việc tại thị trường này. Một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mượn giấy phép để tư vấn, tuyển chọn, thu tiền của người lao động khiến nhiều lao động chỉ biết tên công ty Đài Loan đưa đi mà không biết tên doanh nghiệp Việt Nam đưa đi. Trước hiện trạng đưa người lao động đi làm việc ở Đài Loan tồn tại nhiều bất cập như hiện nay, nguy cơ phía Đài Loan sẽ hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam đang hiện hữu. Một bài học đối với Việt Nam trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở Đài Loan là từ năm 2004 đến nay, thị trường này đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong hai nghề: thuyền viên tàu cá gần bờ và giúp việc gia đình. Đài Loan cũng không cấp giấy phép mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam do lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp với số lượng lớn và ngày càng tăng. Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 341/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 15/2/2012 yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc một số giải pháp nhằm chấn chỉnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở thị trường trọng điểm này. Theo đó, công văn quy định rõ về mức phí như sau: Lao động đi làm việc tại các ngành công nghiệp mức phí không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm (trong đó tiền môi giới không quá 1.500 USD), nghề giúp việc gia đình và chăm sóc sức khỏe mức phí là 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm (tiền môi giới không quá 800 USD). Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết sẽ phối hợp với các Sở Lao động địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ các quy định đưa lao động Việt nam đi làm việc ở Đài Loan. Từ nay đến hết tháng Tư, Cục Quản lý lao động nước ngoài sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra các đầu mối của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan tại các địa phương và chi phí của người lao động trước khi đi làm việc ở Đài Loan để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Tính đến tháng 12/2011, Việt Nam là nước có số lượng lao động làm việc tại Đài Loan đông thứ hai (sau Indonesia), với 93.000 người, chiếm 21,78% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan.

Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan chủ yếu trong các lĩnh vực: sản xuất chế tạo chiếm 68,7%; lao động làm việc trong lĩnh vực phục vụ xã hội và cá nhân (hộ lý, y tá, chăm sóc người bệnh và giúp việc gia đình) chiếm 29,7%; còn lại là lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng và nông, lâm, ngư, mục chiếm 0,92% trong tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan.

Ngoài ra, còn khoảng gần 2.500 lao động là thuyền viên tàu đánh cá xa bờ, thuỷ thủ tàu vận tải làm việc trên các tàu đánh cá và tàu vận tải quốc tịch Đài Loan./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục