Nhọc nhằn nghề đập hàu ven biển Vũng Tàu

Sơ ý một chút là tai nạn xảy ra, nhưng không ai trong những người đang miệt mài bám ghềnh đá có thể bỏ nghề, do gánh nặng mưu sinh.
Biển Vũng Tàu lắm ghềnh đá chính là môi trường để những con hàu tự nhiên sinh sôi nảy nở quanh năm. Đó cũng là nơi mưu sinh đầy cơ cực của không ít phận người.

Hàng ngày, họ bám lấy ghềnh đá, tìm những con hàu tí hon để đổi lấy chén cơm nuôi sống gia đình.

Ngày cuối năm, lúc thủy triều xuống những con người nhỏ bé, thuộc đủ mọi thành phần từ phụ nữ, nam giới, các cụ già cho đến những đứa trẻ miệt mài ở các bãi đá tìm hàu.

Chị Võ Thị Ngọc Phượng, phường 5, thành phố Vũng Tàu vừa quệt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, vừa cho chúng tôi biết “Nghề đập hàu này cực lắm, gia đình tôi làm chăm chỉ cũng chỉ đủ sống qua ngày ”.

Theo chân những người đi đập hàu, chúng tôi mới thấm hết những truân chuyên, vất vả của những người sống bằng nghề này.

Cụ Hai Lãm, người có thâm niên trong nghề tâm sự: “Chúng tôi là những người dân nghèo, không vốn liếng, không tay nghề, không trình độ. Người làm lâu năm như tôi, bình quân 1 ngày đập được khoảng 2 kg hàu. Người mới vào nghề thì ít hơn, khoảng 1 -1,2 kg. Nói chung đủ sống nhưng gian nan lắm” .

Cụ Lãm cho biết thêm “Nghề đập hàu ở Vũng Tàu chỉ bùng phát từ khoảng 8 năm trở lại đây. Trước đây, người ta đi đập hàu không phải để bán. Nhưng sau đó, có nhiều khách du lịch đến hỏi mua…nên dần hình thành nghề”.

Thấy chúng tôi lân la hỏi thăm về “nghề” đập hàu, một chị tên Liên, nhà ở khu Hầm Đá, phường 5, thành phốVũng Tàu tiếp lời: “ Việc này không cần tay nghề, không đòi hỏi vốn liếng, trình độ, chỉ cần một cái búa nhỏ, một con dao và một cái hộp nhựa, cộng thêm tính cần cù, chịu khó là có thể hành nghề”.

Tiếp chuyện với chị Liên, chúng tôi mới biết đến một xóm nhỏ có tên là xóm đập hàu tức khu Hầm Đá, nằm gần nhà thờ Sao Mai, phường 5, thành phốVũng Tàu.

Mỗi gia đình trong xóm nhỏ này là mỗi hoàn cảnh, nhưng họ có chung một nguyên nhân để bám nghề đập hàu này chính là sự nghèo khó luôn đeo đẳng. Để duy trì cuộc sống gia đình, họ đều phải trông chờ vào những con hàu “trời cho”.

Cứ đến giờ thủy triều xuống là họ đã có mặt ở khắp các bãi biển của thành phố Vũng Tàu đoạn từ khu vực bãi Dâu đến bãi Sau tìm kiếm những con hàu, bất kể nắng mưa, sớm tối.

Không những vất vả, chỉ cần một chút sơ ý, tai nạn có thể xảy ra với người đập hàu do vỏ hàu rất sắc, chỉ cần đụng nhẹ là đã bị đứt tay, đứt chân.

Vất vả là vậy nhưng không ai trong số họ có thể bỏ nghề vì gánh nặng mưu sinh, họ không thể chuyển nghề khác khi mà trong tay không một đồng vốn. Đó là lí do vì sao phần lớn các gia đình trong cái xóm nhỏ ven biển này bám lấy nghề.

Chuyện thất học của trẻ em ở xóm Hầm Đá là chuyện bình thường. Thay vì bài học đầu tiên chúng được dạy là cách nhận biết các con chữ thì bài học đầu đời mà chúng được học đó là cách nhận biết được cục đá nào có nhiều hàu và phải đục làm sao cho hàu khỏi vỡ, làm sao để phân biệt đâu là hàu to, đâu là hàu nhỏ cần chừa lại cho những lần sau.

“Đập hàu phải để ý, tránh đập những con hàu nhỏ, để nó còn lớn mà lại nuôi mình”, đó là điều mà những người thợ đập hàu thường nhắc nhở nhau khi làm việc.

Rời xóm đập hàu, chúng tôi không khỏi ưu tư, họ biết chờ để nuôi lớn những con hàu kia, thế nhưng tương lai của con cái họ rất cần được quan tâm, nuôi lớn lại đang bị lãng quên bởi những cuộc mưu sinh đời thường.

Theo Ủy ban Nhân dân phường 5, thành phố Vũng Tàu, phần lớn những “cư dân” trong khu Hầm Đá này đều là những người ở nhiều miền quê khác đến đây sinh sống.

Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn và nhiều trẻ em cùng cha mẹ khi đến đây đã quá tuổi đến trường phải đi học những lớp tình thương, phổ cập giáo dục, có nhiều em phải nghỉ học theo cha mẹ đi kiếm sống.

Chính quyền phường cũng đã tìm cách tạo điều kiện để giúp họ phần nào bớt đi những khó khăn trong cuộc sống hiện tại./.

Hoàng Nhị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục