Thận trọng với lãi suất USD

Doanh nghiệp thận trọng với cuộc đua lãi suất USD

Lãi suất huy động USD đã được một số ngân hàng nâng lên cao, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nên thận trọng khi vay USD.
Từ từ leo lên hơn hai tuần nay, lãi suất tiết kiệm USD cao nhất trên thị trường đã lên đến 6,24%/năm ở Ngân hàng NaviBank, một số ngân hàng khác cũng ở quanh mức 5,8 - 6%/năm.

Liên tục lập đỉnh

Sau động thái tăng của một số ngân hàng, Navibank đã mạnh tay đưa lãi suất USD lên tới 6,24%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng tại NaviBank cũng được ngân hàng này đưa lên mức trên 6%/năm với mức cao nhất là 6,14%/năm tùy thuộc vào lượng tiền khách hàng gửi vào. Mức này đã chính thức phá “đỉnh” lãi suất huy động 6,1% vừa được Baovietbank lập cách đây ít ngày.

Trước đó, những ngày đầu năm 2011, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng đã đưa lãi suất huy động USD lên mức cao nhất là 6%/năm.

Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần khác, lãi suất huy động USD cao nhất nằm trong mức từ 5,1 - 5,6%/năm.

Theo các ngân hàng, lượng kiều hối cuối năm đổ về nhiều nên họ phải tăng lãi suất để hút luồng ngoại tệ này vào đồng thời đáp ứng nhu cầu vay cuối năm lên cao của doanh nghiệp.

Nhìn nhận thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng nâng mức lãi suất huy động USD lên được khởi động ngay từ những ngày đầu năm 2011 khi các số liệu chính thức về lượng kiều hối chuyển vào trong nước được công bố. “Dù có thể còn nhiều nguyên do khác, việc hàng loạt các ngân hàng nối tiếp nhau nhanh chóng điều chỉnh lãi suất huy động USD cho thấy một làn sóng tăng lãi suất đang ngày càng lớn dần,” một chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện tại lãi suất cho vay bằng USD của các ngân hàng khoảng 7 - 8%, trong khi lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang ở mức 17 - 18%/năm đối với các doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang vay USD, thay vì vay VND.

Thông thường lãi suất huy động USD tăng khi nhu cầu vay USD tăng. Theo thông tin từ một ngân hàng cổ phần có mức lãi suất huy động USD khoảng 6%/năm, Ngân hàng này không có nguồn USD để cho vay nên buộc phải tăng mạnh lãi suất huy động USD cao.

Chính với chênh lệch này, dù có cộng thêm yếu tố biến động tỷ giá, việc vay vốn ngoại tệ theo một số doanh nghiệp vẫn chịu áp lực thấp hơn so với vay vốn tiền đồng. Hút mạnh vốn ngoại tệ thông qua biện pháp tăng lãi suất huy động có thể coi là bước chuẩn bị của các ngân hàng nhằm đón nhận nhu cầu vốn ngoại tệ có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.

Thận trọng khi vay USD

Việc người dân và nay là các doanh nghiệp quá "mặn mà" với đồng USD đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại đồng ngoại tệ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Một khi doanh nghiệp vay nhiều ngoại tệ, nhưng thật sự nguồn vốn cần không phải bằng ngoại tệ, trong khi họ không tạo ra được ngoại tệ, thì đến thời điểm trả nợ cho ngân hàng sẽ gây áp lực lên cầu ngoại tệ và ảnh hướng đến tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá sẽ tăng thực tế nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khả năng điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

TS Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, cũng đồng tình với quan điểm này và phân tích thêm: Năm 2010, Việt Nam đã thu hút hơn 8 tỷ USD, nhưng tình trạng căng thẳng ngoại tệ trên thị trường dường như vẫn chưa dịu đi.

"Vấn đề là các ngân hàng không huy động được nguồn kiều hối mà lượng ngoại tệ này nằm trong dân rất nhiều. Có bao nhiêu người sẽ có cách ứng xử găm giữ USD như một hình thức giữ tiền? Con số đó vẫn luôn là một ẩn số do Việt Nam không có một thống kê hay điều tra nào về sự dịch chuyển của dòng tiền này," ông Kiêm nhấn mạnh.

Do đó, nguồn kiều hối dù được chi trả qua kênh chính thống tại các ngân hàng, nhưng phần lớn lại không được bán hay gửi cho ngân hàng để đáp ứng cho nền kinh tế như xuất khẩu đầu tư.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB thừa nhận, lãi suất huy động USD cao như hiện nay là điều bất hợp lý. Lãi suất USD trên thế giới ở khoảng 0,5% - 1%/năm, trong khi Việt Nam lên hơn 6%/năm. Lãi suất huy động USD cứ tăng như vậy thì khó có thể nào kéo lãi suất huy động tiền đồng giảm.

Một số chuyên gia khác cũng đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp muốn vay vốn USD thay VND hãy thận trọng và chỉ nên vay USD khi chính doanh nghiệp có nguồn thu USD từ các hợp đồng xuất nhập khẩu để có thể bảo toàn vốn khi thị trường có biến động.

Doanh nghiệp khi vay USD cần theo dõi sát biến động của đồng ngoại tệ này trên thị trường để khi cần thiết có thể chuyển đổi sang vay bằng VND nhằm tránh rủi ro./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục