3.000 sinh viên được đào tạo kỹ sư chất lượng cao

Đã có 3.000 sinh viên được đào tạo kỹ sư chất lượng cao theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo VN kết hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức.
Sau 10 năm, chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao (P.F.I.E.V) do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kết hợp với Đại sứ quán Pháp đã tuyển được 11 khóa với 3.000 sinh viên.

Trong số này, đã có 6 khóa tốt nghiệp với 1.073 kỹ sư được cấp bằng, đạt tỷ lệ tốt nghiệp so với sinh viên nhập học là 72%.

Các số liệu trên vừa được ông Nguyễn Đức Chỉnh, Giám đốc dự án, công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam được tổ chức sáng nay (30/10).

Được bắt đầu triển khai từ năm 1999, chương trình P.F.I.E.V nhằm đào tạo đội ngũ kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm làm việc với quốc tế, gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất, góp phần đổi mới đào tạo kỹ sư ở một số trường đại học kỹ thuật Việt Nam. Chất lượng đào tạo và văn bằng của người học được quốc tế công nhận. Theo đại diện Đại sứ quán Pháp phát biểu tại hội nghị thì đây là bằng cấp kỹ sư duy nhất đào tạo ở nước ngoài được chính phủ Pháp công nhận.

Các lĩnh vực đào tạo gồm kỹ thuật cơ (kỹ thuật hàng không, cơ điện tử, tự động hóa sản xuất, vật liệu tiên tiến, polyme – composite), kỹ thuật điện (hệ thông thông tin và truyền thông, viễn thông, tin học công nghiệp, hệ thống năng lượng), kỹ thuật xây dựng (kỹ thuật đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng công trình thủy).

Tham gia chương trình có 4 trường đại học của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Pháp có 7 cơ sở giáo dục tham gia gồm Trung tâm Paris, Trường Đại học quốc gia Cơ khí và Kỹ thuật hàng không Poitiers, Đại học quốc gia Cầu đường Paris, Đại học quốc gia Viễn thông Bretagne, Học viện quốc gia Bách khoa Grenoble, Học viện quốc gia Bách khoa Toulouse, Học viện quốc gia Khoa học ứng dụng Lyon và trường Louis le Grand.

Mặc dù Dự án phối hợp giữa Pháp và Việt Nam đã kết thúc và được chuyển giao lại cho Việt Nam từ năm 2007 nhưng từ đó tới nay, chương trình đào tạo vẫn tiếp tục phát triển. Tháng 5/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (CTI) tái công nhận văn bằng của chương trình P.F.I.E.V giai đoạn 2010 – 2016. Dự kiến, tháng 3/2010, CTI sẽ sang Việt Nam để đánh giá, xem xét đề nghị này./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục