Y tế cho trẻ em Mỹ kém nhất các nước phát triển

Số tiền mà Mỹ chi cho trẻ em dưới 6 tuổi, kém xa quốc gia khác, chỉ khoảng 20.000 USD so với mức trung bình là 30.000 USD.
Mỹ có tỷ lệ tử vong trong trẻ sơ sinh, tỷ lệ thiếu nữ mang thai và tỷ lệ trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo đói cao nhất trong số các nước phát triển, mặc dù chi tiêu của nước này vào lĩnh vực chăm sóc trẻ em nhiều hơn các quốc gia được coi là có mức tốt đẹp nhất như Thụy Sĩ, Nhật Bản và Hà Lan.

Thông tin được công bố trong báo cáo có tựa đề "Chăm sóc trẻ em tốt hơn" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).

Báo cáo ngày 1/9 của OECD cho thấy Mỹ chi trung bình 140.000 USD cho mỗi đứa trẻ, cao hơn mức trung bình của 30 nước thành viên OECD là 125.000 USD, nhưng số tiền này phần lớn chi cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Số tiền mà Mỹ chi cho trẻ dưới sáu tuổi, một giai đoạn mà OECD cho rằng rất quan trọng cho tương lai của trẻ, kém xa các quốc gia khác, chỉ vào khoảng 20.000 USD so với mức trung bình của OECD là 30.000 USD.

Do đó, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại Mỹ hiện đứng thứ tư trong các nước thành viên OECD, sau Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Slovakia.

Tỷ lệ trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo đói ở Mỹ cao gần gấp đôi mức trung bình của OECD, vào khoảng 21,6% so với mức trung bình là 12,4% của OECD.

Tỷ lệ trẻ vị thành niên sinh con ở Mỹ cao gấp ba lần so với mức trung bình của OECD, chỉ có Mexico là cao hơn Mỹ trong số các nước OECD.

Báo cáo của OECD còn cho biết trong số các nước phát triển, Pháp, Ðức, Anh và Bỉ chi nhiều hơn cho trẻ em so với Mỹ, trong khi Thụy Sĩ, Hà Lan, Australia và Italy chi ít hơn./.

Kim Yến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục