Doanh nghiệp Pháp quan tâm tới thị trường Việt Nam

Các doanh nghiệp Pháp tỏ rõ sự quan tâm tới thị trường và sự phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp.
Ngày 13/11, hội thảo “Việt Nam, đối tác thương mại và công nghiệp tại Đông Nam Á” đã diễn ra tại thành phố Lyon, cách thủ đô Paris (Pháp) khoảng gần 500km về phía Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh những đóng góp của cộng đồng doanh nhân Pháp và Việt Nam, đánh giá đây là “cầu nối tích cực” đưa hàng Việt Nam ra thế giới và đưa các sản phẩm của Pháp đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Pháp trong thời gian qua đã được nâng lên, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Thị trường Pháp luôn là thị trường tiềm năng của Việt Nam, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vào Pháp như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, nông sản chế biến.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết một số khó khăn trong việc tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào Pháp (hiện chỉ đạt hơn 1,7%) trong tương lai, đó là số lượng người biết tiếng Pháp ngày càng ít. Vì vậy tới đây, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực biết tiếng Pháp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung.

Bà Hồ Thị Kim Thoa cũng đưa ra một số kiến nghị với cộng đồng doanh nghiệp hai nước để cùng nhau đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại song phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai nước trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là tận dụng tối đa các hiệu ứng tích cực từ những hiệp định thương mại ký giữa hai nước, tới đây là Hiệp định thương mại tự do của Liên minh châu Âu; đẩy mạnh hơn nữa kết nối giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng có lợi, vượt qua khủng hoảng trước mắt và lâu dài; và sử dụng hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại Pháp như một công cụ hỗ trợ tích cực để tìm kiếm những thông tin về thị trường Việt Nam.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Pháp tỏ rõ sự quan tâm tới thị trường và sự phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp, luật pháp, các chính sách để thúc đẩy và thu hút đầu tư… Những công ty có văn phòng đại diện ở Việt Nam đánh giá rất cao tiềm năng về thị thường, sự phát triển kinh tế và những cải cách ở Việt Nam mới đây, tuy nhiên họ cũng đề cập tới một số khó khăn và yếu kém cần khắc phục, nhất là sự phát triển hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa.

Nhiều doanh nghiệp Pháp đã đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tham gia một đoàn doanh nghiệp lớn, năm 2013 sẽ đến Việt Nam mở rộng xúc tiến đầu tư, hợp tác thương mại.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo tại thành phố Lyon - lớn thứ hai nước Pháp và thứ bảy châu Âu về tổng sản phẩm quốc nội, góp phần tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp, nhất là sự hợp tác phân vùng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực mà thành phố này có nhiều tiềm năng như hóa dược, công nghệ mới, công nghiệp sạch bio, năng lượng, giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học.

Theo Đại sứ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang tiếp diễn tại châu Âu và Pháp, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm tăng cường các hoạt động hợp tác đầu tư và làm ăn với Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục