Tái cấu trúc ngân hàng: Trì hoãn đồng nghĩa trả giá?

Theo WB, VN đã có đà, có quyết tâm chính trị, sẽ có hành động cụ thể để đạt mục tiêu trở thành khu vực tài chính vững và hiệu quả.
Tại hội thảo quốc tế “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế phối hợp với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công thì cần phải tăng cường hệ thống thanh tra giám sát, đặc biệt là hệ thống giám sát chéo, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giám sát.

Hết thời trăm hoa đua nở

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết số lượng tổ chức tín dụng cũng như chi nhánh và phòng giao dịch gia tăng mạnh trong 10 năm qua, hiện cả nước có 130 tổ chức tín dụng với 9.665 chi nhánh và phòng giao dịch.

Nếu xét về số lượng, mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân tính theo số lượng chi nhánh và phòng giao dịch/100.000 dân số trưởng thành đạt 17. Chỉ số này cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 16 và một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan 11, Indonexia là 7.

Ông Tuấn cho rằng, trong thời gian qua các tổ chức tín dụng đã quá tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Tuấn đưa ra ví dụ, ngay trên phố Bạch Mai, Hà Nội đã có tới 54 chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng, trong khi đó tổ chức tín dụng tại nông thôn lại rất ít.

Chính vì mải lo phát triển theo bề rộng mà không tính đến chiều sâu, chạy theo những "cơn sốt" của thị trường chứng khoán, rồi bất động sản... nên nhiều ngân hàng đã rơi vào tình trạng gặp khó trong thanh khoản, phải sử dụng những chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn trên thị trường.

Theo con số thống kê, tính đến tháng 8/2011, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã ở mức 3,21%, nợ nhóm 4 và 5 cũng chiếm một lượng đáng kể. Với dự báo thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn sẽ khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng, số tiền có khả năng mất trắng của hệ thống ngân hàng còn có thể cao hơn nữa.

Theo ông Tuấn, sở dĩ có hiện trạng trên một phần là do giám sát rủi ro chéo giữa hệ thống ngân hàng với các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán còn lỏng lẻo do thiếu sự phối hợp, liên thông giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành. Đặc biệt, vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính.

Hệ lụy của việc bung ra theo kiểu "trăm hoa đua nở" đã khiến cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế trước những đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô tăng trưởng bền vững, cũng như những thách thức to lớn của quá trình tự do hóa tài chính và hội nhập kinh tế quốc tế. Bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ đặt ra cho Việt Nam vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn có yêu cầu cấp thiết là tái cấu trúc một cách toàn diện và đồng bộ hệ thống ngân hàng như một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.

Trì hoãn đồng nghĩa với trả giá

Phát biểu tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh: "Việt Nam càng trì hoãn không hành động thì càng phải trả giá đắt, như vậy chúng ta càng tốn nhiều nguồn lực. Hiện Việt Nam đã có đà cải cách rồi, quyết tâm chính trị có rồi, trong tương lai, Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể để đạt mục tiêu trở thành một khu vực tài chính phát triển vững mạnh và hiệu quả."

Trong bối cảnh đo, bà Victoria Kwakwa cho biết WB luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và tất cả các bên đối tác để đạt được mục tiêu này. "Ngoài ra, WB còn đưa ra những kinh nghiệm từ các ngân hàng trên thế giới, tư vấn chính sách, tài chính ngân hàng cho Việt Nam," bà Kwawa khẳng định.

Đi vào phân tích cụ thể, ông Sameer Goyal, Điều phối viên Quốc gia, Phát triển khu vực tài chính và tư nhân vùng Đông Nam châu Á – Thái Bình Dương của WB cho rằng, Việt Nam không nhất thiết cứ phải xảy ra khủng hoảng thì mới tái cấu trúc mà hoàn toàn có thể tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong khi nền kinh tế đang diễn ra thuận lợi.

"Có một thực tế là, trên thế giới hay ở Việt Nam cũng vậy, chỉ khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, ngân hàng mất khả năng thanh toán hoặc không có khả năng trả nợ... thì mới nghĩ đến tái cấu trúc ngân hàng," ông Sameer Goyal nói.

Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông Sameer Goyal, đó là trước khi tái cấu trúc thì cần phải xem đích mình muốn tiến đến đâu cũng như phải xác định các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đảm bảo có được những biện pháp tốt nhất trong quá trình tái cơ cấu.

Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh, hiện nay chất lượng danh mục tín dụng của ngân hàng thương mại đang gặp rủi ro.

"Hiện tại, tổng tài sản của khu vực ngân hàng đã hơn 2 lần GDP, vì thế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay cần nhiều nguồn lực và khác so với kinh nghiệm trước đây của Việt Nam," ông Goyal nhấn mạnh.

Các đại biểu cho rằng, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đạt hiệu quả cao và bền vững thì cần phải xây dựng mạng an toàn tài chính quốc gia, tăng cường hệ thống thanh tra giám sát, đặc biệt là hệ thống giám sát vĩ mô trên cơ sở hoàn thiện khuôn khổ  pháp lý, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giám sát.

Bên cạnh đó, cần củng cố thể chế, xây dựng hệ thống chuẩn mực an toàn, đặc biệt là an toàn  liên quan đến rủi ro chéo giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

Về các giải pháp cho thời gian tới, các đại biểu cho hay Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoàn thành xử lý dứt điểm nợ xấu, làm sạch bảng cân đối tài sản và phục hồi tình hình thanh khoản mang tính lâu dài. Mặt khác, cơ quan này cũng cần ban hành các chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch của các tổ chức tính dụng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục