Giảm cả ba tiêu chí

Tai nạn giao thông đường thủy giảm cả ba tiêu chí

Tai nạn giao thông đường thủy trong 9 tháng giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương với mức giảm lần lượt là 29,6%; 8,8% và 27,2%.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Cảnh sát đường thủy, 9 tháng qua, cả nước xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 83 người, bị thương 8 người, chìm 81 phương tiện thủy, thiệt hại về tài sản và hàng hóa khoảng 4 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2011, giảm 32 vụ (29,6%), giảm 8 người chết (8,8%) và giảm 3 người bị thương (27,27%).

Lực lượng cảnh sát đường thủy của Cục và các địa phương đã kiểm tra, lập biên bản xử lý trên 142.000 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy, nộp kho bạc Nhà nước 86,7 tỷ đồng; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 82 trường hợp, đình chỉ hoạt động 391 phương tiện.

Cảnh sát đường thuỷ các địa phương kiến nghị với ngành đường thuỷ nội địa di dời 121 báo hiệu dẫn luồng không phù hợp; phát hiện, bắt giữ 222 trường hợp sử dụng xung điện để đánh bắt thuỷ sản trái phép, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định...

Các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ đối với cảng, bến và phương tiện chở khách, phương tiện nghề cá, khai thác cát sỏi trái phép; thanh thải hơn 9.500 chướng ngại vật lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng; điều tiết chống ùn tắc, bảo đảm an toàn cho phương tiện qua lại các khu vực thi công công trình trên đường thủy, nơi luồng hẹp, khan cạn...

Mặc dù vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa thời gian qua vẫn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông; trong đó vi phạm phổ biến là phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chống đắm, phòng cháy, chữa cháy....

Nhiều bến thuỷ hoạt động trái phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn; lấn chiếm luồng và hành lang an toàn giao thông.

Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi) trái phép trên đường thủy vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu các địa phương, làm lệch dòng chảy, gây sạt lở đê điều, kè, cống, đất canh tác, nhà ở hai bên sông.

Hiện tượng này gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy, nhất là địa bàn các tuyến giáp ranh trên tuyến sông Hồng, sông Lô, sông Đáy, các tuyến sông khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, các tuyến đường thủy nội địa mới đưa vào khai thác, sử dụng (các tuyến đường thuỷ nội địa ở các hồ thủy điện...) nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đầu tư, lắp đặt hệ thống biển báo, phao tiêu báo hiệu và chưa bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động giao thông, gây tình trạng hoạt động tuỳ tiện, lộn xộn.

Các phương tiện chở khách, nhà nổi, tầu cao tốc... còn bị buông lỏng, chưa được kiểm tra, giám sát thường xuyên, đặc biệt là tầu cao tốc hoạt động không đảm bảo an toàn nhưng từ trước đến nay lực lượng cảnh sát đường thủy chưa kiểm tra, xử lý được.

Những tháng cuối năm, lực lượng cảnh sát đường thủy tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với bến, phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; xử lý nghiêm bến, phương tiện chở khách ngang sông, du lịch, lễ hội, vui chơi giải trí, tàu cao tốc vi phạm./.

Kiều Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục