Tái cấu trúc PVN

Thủ tướng sẽ nghe PVN báo cáo đề án tái cấu trúc

Thứ trưởng Tài chính cho biết Thủ tướng sẽ nghe Tập đoàn Dầu khí quốc gia báo cáo Đề án tái cấu trúc trước 31/3.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Thủ tướng sẽ nghe Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) báo cáo Đề án tái cấu trúc trước ngày 31/3.

Theo ông Hiếu, với mục tiêu tái cấu trúc nhằm giúp Tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn, có sự phát triển xứng tầm quốc tế và khu vực với sức cạnh tranh cao, hy vọng đầu tiên trong Đề án tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng được đặt vào bởi PVN, bởi đây là Tập đoàn chủ lực có đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế, có khối tài sản chiếm khoảng 30%, sử dụng vốn chiếm khoảng 37% trong khối doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy, trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn, PVN cần tập trung sắp xếp lại chiến lược kinh doanh ở trong nước và nước ngoài; trên cơ sở đó cơ cấu lại ngành, nghề. Trên thế giới, hầu hết các tập đoàn kinh tế đều kinh doanh đa ngành, đa nghề nhưng với thực tiễn phát triển mô hình tập đoàn thí điểm thời gian qua, tại thời điểm hiện nay, quan điểm “tập đoàn chỉ nên tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và những ngành nghề trực tiếp phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chính” cần được quán triệt.

Theo đó, PVN cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên, trừ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia bởi đây là các đơn vị có vai trò liên quan tới nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Để giảm thiểu cạnh tranh nội bộ không cần thiết cũng như triệt tiêu lẫn nhau, PVN cần rà soát lại chiến lược phát triển theo quan điểm theo chỉ đạo của Chính phủ là không nên có hai đơn vị trong cùng Tập đoàn làm cùng một nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tái cấu trúc, PVN phải rà soát lại vấn đề quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị nội bộ từ Công ty mẹ đến từng đơn vị thành viên. Về mặt tài chính, PVN cần rà soát lại các dự án đầu tư, thực hiện thoái vốn theo lộ trình cụ thể với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Trong điều kiện thị trường chứng khoán như hiện nay, việc thoái vốn này sẽ không dễ nhưng PVN cần tìm ra lộ trình hợp lý để tái cấu trúc tài chính trước năm 2015.

Cùng đó, PVN phải đưa các đơn vị thành viên lên sàn chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn từ kênh này, không nên phụ thuộc quá 1/3 vốn vào ngân hàng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với PVN để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ban đầu phù hợp, giúp thúc đẩy quá trình niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ đề án tái cấu trúc doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn, đến nay PVN đã thành lập Ban chỉ đạo tái cấu trúc doanh nghiệp của Tập đoàn, đã hoàn thành xác định cụ thể về các nguyên tắc và nội dung cơ bản tái cấu trúc doanh nghiệp trong toàn PVN. Mục tiêu của tái cấu trúc Tập đoàn là xây dựng PVN thành doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, là trụ cột của kinh tế Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững; tiếp tục giữ vững vị trí Tập đoàn mạnh số 1 của Việt Nam và phấn đấu trong 5 năm tới là Tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm.

Xây dựng thành Tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: Thăm dò khai thác dầu khí, Lọc-Hóa dầu, Công nghiệp khí, Công nghiệp điện và Dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi; gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và đi đầu trong công tác an sinh xã hội.

PVN sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị của hoạt động dầu khí từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, lọc-hóa dầu, chế biến khí đến kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu khí và điện khí phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 là quá trình tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý để hoạt động của Tập đoàn đạt hiệu quả cao hơn với lộ trình phù hợp, không gây xáo trộn không cần thiết trong sản xuất kinh doanh.

Với các mục tiêu này, lãnh đạo PVN đang làm việc với các đơn vị từ ngày để hoàn thiện chính thức Phương án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 báo cáo Thường vụ Đảng ủy-Hội đồng thành viên thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trước ngày 25/3 tới./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục