Đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho người tàn tật

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và WB đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu  cho người tàn tật.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và đầu tư các chương trình đặc biệt để phát huy tiềm năng to lớn của hơn 1 tỷ người tàn tật với các dạng tàn tật khác nhau trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO, Margaret Chan, kêu gọi thế giới hành động để phá vỡ các trở ngại đẩy người tàn tật ra bên lề xã hội. Chủ tịch WB Robert B. Zoellick, cho rằng thế giới cần giúp người tàn tật dành quyền tiếp cận bình đẳng các cơ hội để tham gia và đóng góp cho cộng đồng.

Nghiên cứu của WB và WHO kiến nghị các chính phủ và các đối tác phát triển thực thi các kế hoạch và chiến lược quốc gia về người tàn tật, nâng cao nhận thức công cộng và hiểu biết hơn về người tàn tật. Người tàn tật cần được tư vấn và được tham gia vào việc xây dựng chính sách và những nỗ lực của chính phủ và xã hội giúp đỡ, bảo vệ và tạo điều kiện phát huy tiềm năng to lớn của họ.

Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu trong vòng 40 năm qua, WHO và WB đã tiến hành nghiên cứu chung và đánh giá tổng quan về hiện trạng người tàn tật trên thế giới. Theo nghiên cứu này, khoảng 20% trong tổng số người tàn tật trên thế giới đang đứng trước các khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Rất ít nước trên thế giới có các cơ chế thích hợp để đáp ứng nhu cầu của người tàn tật. Người tàn tật bị phân biệt đối xử, thiếu sự chăm sóc y tế và các dịch vụ phục hồi chức năng, khó tiếp cận các phương tiện vận tải, nhà ở, và công nghệ thông tin và truyền thông.

Người tàn tật khó khăn gấp 2 lần người bình thường trong việc tìm được nhân viên y tế có thể đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, trong khi có nguy cơ bị phủ nhận các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cao gấp 3 lần người bình thường. Ở các nước thu nhập thấp, chi phí y tế người tàn tật phải trả cao hơn 50% so với người bình thường.

Ở các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), tỷ lệ người tàn tật có việc làm chỉ đạt 44% so với tỷ lệ 75% của người không tàn tật. Vì vậy, người tàn tật thường có trình độ giáo dục thấp, sức khoẻ yếu, ít có các cơ hội kinh tế và tỷ lệ nghèo khổ rất cao.

Giáo sư vật lý người Anh, Stephen Hawking, một người tàn tật gần như tàn phế nhưng đã phấn đấu trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới, kêu gọi cộng đồng thế giới thực hiện nghĩa vụ phá bỏ mọi trở ngại đối với sự tham gia của người tàn tật vào đời sống xã hội, đầu tư cả về tài chính và kỹ năng để người tàn tật phát huy tài năng.

Đến nay, gần 150 nước đã ký Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật và 100 nước đã phê chuẩn Công ước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục