Sửa đổi Hiến pháp: Cần chi tiết và không tĩnh tại

Bàn về sửa đổi Hiến pháp, ý kiến nhận được nhiều đồng thuận là cần phải chi tiết và áp dụng tư duy chuyển đổi cho phù hợp xã hội VN.
Ngày 7/12/2011, tại Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (thuộc Văn phòng Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo “Sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”  Tham gia hội thảo là những tên tuổi có uy tín về nghiên cứu lập pháp và xây dựng pháp luật ở nước ta. Những vấn đề về hoàn thiện hiến pháp Trong phiên hội thảo thứ nhất (hôm nay) chủ đề được các diễn giả tham luận và bàn bạc là: “Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực.” Phần này do tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì, nhiều đại biểu đã nêu ra những nội dung đóng góp sâu sắc và thiết thực cho công việc sửa đổi hiến pháp. Mở đầu là chuyên đề: “Sáu vấn đề trong hoàn thiện Hiến pháp Việt Nam hiện nay" với phần trình bày khá chi tiết của Phó giáo sư.Tiến sĩ Lê Văn Hòe. Với quan niệm, Hoàn thiện Hiến pháp là làm cho Hiến pháp tốt hơn. Ở cấp độ lập hiến, hoàn thiện Hiến pháp có thể chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp hiện hành, có thể sửa đổi về cơ bản bằng việc ban hành một Hiến pháp mới. Hoàn thiện Hiến pháp còn ở cấp độ lập pháp bằng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế những luật định cụ thể Hiến pháp cho phù hợp với thực tế khách quan. Từ đó, Phó giáo sư.Tiến sĩ Lê Văn Hòe đã đưa ra lần lượt sáu vấn đề cơ bản nhất. Đó là việc hoàn thiện Hiến pháp phải phát huy được giá trị khai mở và xác lập của hiến pháp; Việc hoàn thiện Hiến pháp phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của lịch sử lập hiến Việt Nam; Vấn đề tiếp theo là xác định phạm vi điều chỉnh của hiến pháp mới phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển Nhà nước và xã hội trong giai đoạn mới; Phát huy bản chất dân chủ của Hiến pháp trong hoàn thiện Hiến pháp; Hoàn thiện Hiến pháp từ góc độ tổ chức quyền lực nhà nước; Tính cơ bản và tính hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp. Hiến pháp cần chi tiết Tại hội thảo, được quan tâm và đánh giá cao là bài thuyết trình của chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo chuyên gia này: “Trong quá trình xem xét sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay, có một số ý kiến chủ trương viết Hiến pháp một cách súc tích để Hiến pháp có đời sống lâu dài. Chúng tôi đã tìm hiểu các khuynh hướng chi tiết hóa trong sự phát triển của hiến pháp trên thế giới, xem xét khuynh hướng này trong sự phát triển của Hiến pháp Việt Nam và gợi mở một số điều cho sửa đổi." Theo bài trình bày của chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, cho đến nay Việt Nam đã có bốn bản hiến pháp. Xét một cách tổng thể, các nhà thảo hiến Việt Nam có khuynh hướng ngày càng viết nhiều nội dung vào trong hiến pháp, tương tự như khuynh hướng chung của các nhà thảo hiến thế giới. Ba bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa dài hơn rất nhiều so với hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đất nước trong những ngày đầu độc lập, đang xây dựng chính quyền nên đi theo khuynh hướng biểu đạt các vấn đề quan trọng của chính thể. Sau này, các nhà thảo hiến xã hội chủ nghĩa chủ trương viết nhiều vào hiến pháp và áp dụng kỹ thuật chi tiết hóa. Con số khảo sát do chuyên gia của trường Đại học Quốc gia đưa ra là: Hiến pháp năm 1946 chỉ có 3385 từ và Hiến pháp năm 1992 có dung lượng 16.091 từ. Những đề nghị của chuyên gia Bùi Ngọc Sơn được nhiều người tham gia hội thảo đồng tình là hiến pháp súc tích có tính trìu tượng cao đòi hỏi có một văn hóa giải thích hiến pháp chuyên nghiệp. Chuyên gia này phân tích: "Khi nói về Hiến pháp Mỹ, người ta dễ bị ám ảnh bởi bản Hiến pháp ngắn gọn chỉ có 7 điều mà tồn tại hơn 200 năm, nhưng người ta thường hay bỏ qua thực tế là hiến pháp Mỹ sở dĩ tồn tại được vậy là do nước Mỹ có truyền thống giải thích Hiến pháp chuyên nghiệp qua hoạt động bảo hiến của Tòa án tối cao liên bang." Cũng theo diễn giả này, khi chúng ta chưa có truyền thống giải thích Hiến pháp thì Hiến pháp phải đưa ra những chỉ dẫn cụ thể thay vì gồm những nguyên tắc trìu tượng. Bên cạnh đó, quan niệm về xây dựng một hiến pháp có đời sống lâu dài không phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. "Vì Việt Nam là một xã hội đang chuyển đổi trên nhiều phương diện, tư duy chuyển đổi trong việc nhìn nhận về hiến pháp thích hợp hơn tư duy tĩnh tại," ông Sơn nhấn mạnh. Cũng tại hội thảo, nhiều trăn trở của các nhà lập pháp đã được nêu thành ý kiến và đưa ra bàn luận sôi nổi cả trong giờ làm việc và cả thời gian nghỉ giải lao của các đại biểu tham dự./.
Kế hoạch hoàn thiện sửa đổi Hiến pháp

Giai đoạn một, từ nay đến 1/2012, Ban chỉ đạo tổ chức các phiên họp để thông qua quy chế, kế hoạch hoạt động; cho ý kiến về Đề cương chi tiết các chuyên đề do một số Bộ và địa phương thực hiện; thông qua Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết của Chính phủ và cho ý kiến đối với các dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ trước khi trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Các cuộc hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2012 để lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ.

Giai đoạn hai, từ tháng 2/2012 đến tháng 11/2013, các phiên họp của Ban chỉ đạo sẽ cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tổ chức 2 đoàn khảo sát nước ngoài.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục