Phát hiện cơ chế mới kiểm soát triệu chứng béo phì

Cơ quan khoa học công nghệ và nghiên cứu Singapore phát hiện chiều hướng mới có dấu hiệu kiểm soát bệnh béo phì và xơ vữa động mạch.
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan khoa học công nghệ và nghiên cứu của Singapore (A*STAR), đã phát hiện một chiều hướng mới có dấu hiệu kiểm soát được cả bệnh béo phì và xơ vữa động mạch.

Các nhà khoa học này đến từ Viện Nghiên cứu Sinh học phân tử và tế bào (IMCB) và Tập đoàn Công nghệ tạo hình ảnh sinh học Singapore (SBIC), phát hiện rằng những con chuột thiếu hụt một gen nhất định sẽ có đến khả năng chống lại sự tăng cân và triệu chứng xơ vữa động mạch.

Bệnh béo phì và xơ vữa động mạch thường kèm theo sự tích lũy các giọt lipid nhỏ trong các tế bào mỡ và tế bào có bọt. Các tế bào có bọt (là những đại thực bào chứa nhiều phân tử lipid tỷ trọng thấp gắn kết với cholesterol) sau đó có thể vỡ, gây tổn hại các mạch máu và góp phần vào sự phát triển bệnh xơ vữa động mạch nhanh hơn.

Các nhà khoa học phát hiện thấy những con chuột thiếu hụt gen Wip1, ngay cả khi cho ăn một chế độ giàu chất béo, vẫn có khả năng chống béo phì và xơ vữa động mạch bằng cơ chế ngăn ngừa sự tích lũy các giọt lipid nhỏ ở các tế bào mỡ.

Như vậy gen Wip1 có ở chuột có khả năng gây béo phì và xơ vữa động mạch. Thêm vào đó, việc phát hiện sự thiếu hụt gen này dường như liên quan tới hiện tượng tăng tốc độ thoái hóa các giọt lipid ở các tế bào mỡ.

Những phát hiện này, được công bố trong tạp chí Trao đổi chất tế bào (Cell Metabolism), mở đường cho sự phát triển các biện pháp điều trị mới đối với béo phì và xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một nguyên nhân cơ bản của nhiều bệnh tim mạch.

Vì béo phì cũng có liên quan đến một số căn nguyên của ung thư nên các nhà khoa học cũng hy vọng rằng khám phá trên có giúp lập bản đồ gen di truyền liên quan đến việc chữa trị một số căn bệnh ung thư, ngăn chặn sự phát triển các khối u.

Tương tự như vậy, việc ngăn chặn béo phì và xơ vữa động mạch, và việc gây kích hoạt con đường tự thực bào (autophagy) đối với các tế bào ung thư có thể tạo ra sự phá hủy yếu tố cơ bản gây ra sự tăng sinh nhanh các tế bào ung thư. Do vậy, sự ngăn chặn béo phì và xơ vữa động mạch có thể giúp kìm hãm sự phát triển bệnh ung thư.

Béo phì và các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch chiếm hơn một phần ba các ca tử vong ở các nước phương Tây. Tại Singapore, 10,8% dân số bị béo phì và bệnh tim mạch chiếm 31,9% các ca tử vong trong năm 2010./.

Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục