LHQ đề ra ưu tiên phát triển bền vững châu Phi

Bà Helen Clark, Chủ tịch Nhóm Phát triển của Liên hợp quốc đề nghị 8 ưu tiên hội nhập khu vực và phát triển con người của châu Phi.
Ngày 10/5, bà Helen Clark, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Quản trị trưởng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chủ tịch Nhóm Phát triển của Liên hợp quốc khẳng định hội nhập khu vực và phát triển con người là hai yếu tố đảm bảo con đường phát triển bền vững của châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về các nước chậm phát triển nhất ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, bà Helen Clark nhấn mạnh tiềm năng hội nhập khu vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của châu Phi hiện được đánh giá cao.

Các cộng đồng kinh tế khu vực đã thúc đẩy thương mại, làm tăng thu nhập và tạo được nhiều việc làm nhờ tận dụng được các cơ hội từ các thị trường rộng lớn cũng như các kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế. Liên minh châu Phi (AU) và Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA) từng nhấn mạnh hội nhập khu vực là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế, làm tăng các nhu cầu trong nước, tạo nhiều việc làm và ổn định kinh tế.

Các chương trình hội nhập khu vực được thiết kế tốt có thể thúc đẩy đồng thời cả tăng trưởng toàn diện và phát triển con người. Hội nhập khu vực toàn châu Phi được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và chi phí vận tải thấp hơn sẽ đem lại những thành quả quan trọng về phát triển con người cho các tiểu khu vực của châu Phi. Cơ sở hạ tầng xuyên biên giới có thể nâng cao 10% mức sống của châu Phi trong các năm từ năm 2012 đến 2020.

Chủ tịch Nhóm Phát triển của Liên hợp quốc đề nghị 8 ưu tiên hội nhập khu vực và phát triển con người của châu Phi. Một là xây dựng các thể chế khu vực vận hành tốt và tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, đặc biệt là giao thông vận tải, điện, nước và truyền thông. Hai là các quy chế và tiêu chuẩn tác động đến thương mại cần minh bạch, hài hòa xuyên biên giới và có thể dự báo được để tăng thương mại và thu hút đầu tư.

Ba là chính sách công nghiệp khu vực có thể góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc tế và các nền kinh tế hội nhập có thể khắc phục được hạn chế của thị trường nhỏ bé cũng như quy mô kinh tế nhỏ của nhiều nước châu Phi. Bốn là các thể chế khu vực cần đảm bảo lợi ích của hội nhập khu vực được chia sẻ rộng rãi và công bằng.

Năm là hệ thống an sinh xã hội cần hỗ trợ dân cư không chỉ đối phó với các cơn sốc kinh tế mà cả các nguy cơ xuất phát từ các thị trường mở và cạnh tranh hơn. Sáu là y tế và giáo dục cần được cải thiện để xây dựng những công dân năng động, được trao quyền và lao động có năng suất cao vì họ thực sự là những người quyết định thành công của hội nhập khu vực.

Bảy là các nỗ lực phối hợp, các khả năng và nguồn lực cần biến tăng trưởng và phát triển trở nên bền vững về môi trường. Cuối cùng, các chính sách của cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ tích cực quá trình hội nhập khu vực của châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục