Vẹn nguyên khí tiết người chiến sỹ quyết tử Hà Nội

90 tuổi, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng QK Thủ đô, vẫn còn vẹn nguyên khí thế quả cảm của người chiến sĩ quyết tử.
90 tuổi, người chiến sĩ quyết tử trong trận chiến đấu 60 ngày đêm giam chân quân Pháp bảo vệ Hà Nội, bảo vệ Chính phủ Việt Nam, rút lên chiến khu Việt Bắc, tổ chức kháng chiến vào mùa đông năm 1946 - Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, vẫn còn vẹn nguyên khí thế quả cảm của người dám xả thân vì vận mệnh của Tổ quốc.

Ông say sưa kể về những trận chiến đấu, về chiến thuật tấn công giặc trong điều kiện không tương quan lực lượng, vũ khí, như thể ông vừa bước ra khỏi cuộc chiến.

Sức khỏe yếu, nhưng ông vẫn lạc quan "thổi" vào lòng người nghe ý chí quật cường, dũng cảm, gan dạ của các chiến sĩ quyết tử.

60 ngày đêm máu lửa mùa đông năm 1946, ông Nguyễn Trọng Hàm, thời đó là Đại đội trưởng Đại đội tự vệ phố Hàng Thiếc, khu tự vệ Đông Thành, Liên khu I (sau này là Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô), cùng các đội viên tự vệ sục sôi ý chí chiến đấu, tuyên thệ trước Quốc kì “Tự vệ thành sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Đêm 19/12/1946, khi hiệu lệnh chiến đấu mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp phát đi trên đài Tiếng nói Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nội đồng loạt nổ súng tiến công các vị trí đóng quân của giặc Pháp trong toàn thành phố.

Các tổ tự vệ, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Hàm, đã đánh tập kích, tiêu diệt được một số ổ đề kháng bí mật của Việt gian; cùng nhân dân nổ mìn, hạ cây, cột điện, khuân đồ đạc trong nhà ra lấp mặt đường, tạo chướng ngại vật cản xe cơ giới địch.

Pháp huy động xe tăng, hỏa lực chống trả quyết liệt. Nhiều chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hy sinh.

Ông Nguyễn Trọng Hàm cũng nhớ rất rõ trận đánh ngày 7 và 8/2/1947. Khi đó phố Hàng Thiếc trở thành tuyến đầu, có vị trí quan trọng trong chiến đấu vì khống chế được sự tiến công của quân Pháp vào Trung tâm Liên khu I.

Trước khi trận chiến xảy ra, Pháp đánh thăm dò khu vực này, nhưng phán đoán được ý đồ của chúng, các chiến sỹ Tiểu đoàn 102 tạo nghi binh để chúng thọc sâu. Khi chúng chui qua các lỗ tường nhà mà ta đã đục sẵn theo hình dích dắc, được 7 – 8 nhà, lực lượng tự vệ dùng vũ khí thô sơ đánh lại quân địch.

Đội hình địch ùn lại phía sau, quân ta từ tầng hai tung lựu đạn xuống tiêu diệt, quân địch chết ngổn ngang.

Ông Nguyễn Trọng Hàm rất đỗi tự hào về chiến thuật này, trong gian khổ phải lấy trí tuệ để đánh giặc, lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.

Ông cũng rất hãnh diện về cuộc lui quân thần kỳ sau khi kìm chân địch 2 tháng theo yêu cầu của Chính phủ để rút lên Việt Bắc.

Quân không mất một người, súng không mất một viên, hàng trăm người thuộc Trung đoàn Thủ đô đã vượt qua vòng vây của địch một cách kỳ diệu, mà công đầu tiên thuộc về đội trưởng đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại.
 
Trước khi rút quân khỏi Hà Nội, các chiến sĩ quyết tử đã viết lên tường nhà “Ra đi hẹn ngày về”, tin tưởng sẽ trở lại nơi mình đã từng gắn bó.

Như một định mệnh, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đại đoàn quân Tiên phong 308, đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có Trung đoàn Thủ đô, đơn vị có các chiến sĩ quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đã về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Từ 5 cửa ô, đoàn quân rầm rập tiến về trong sự chào đón hân hoan của người dân; cùng dồn về khu Cột Cờ đón giây phút thiêng liêng kéo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Hà Nội.

Đến nay, dù đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù đang ở phía cuối con đường, nhưng ông Nguyễn Trọng Hàm vẫn vẹn nguyên khí tiết người chiến sĩ quyết tử năm xưa.

Là anh cả trong Ban liên lạc các chiến sĩ quyết tử Liên khu I anh hùng, ông luôn tâm niệm, trong cả thời chiến lẫn thời bình, muốn thắng địch không có cách nào khác là phải bằng trí tuệ./.

Đinh Thị Thuận(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục