Tìm giải pháp bình đẳng cho vấn đề cải tổ HĐBA

Các nước thành viên nhấn mạnh cải tổ Hội đồng Bảo an là cấp thiết và cam kết tìm kiếm một giải pháp bình đẳng cho vấn đề này.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/11 về chủ đề cải tổ Hội đồng Bảo an, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh việc cải tổ Hội đồng Bảo an là nhu cầu cấp thiết và cam kết tìm kiếm một giải pháp bình đẳng cho vấn đề đã bế tắc 15 năm này.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Ali Abdussalam Treki, thách thức lớn nhất là tìm được mô hình cải tổ về số lượng thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an, quyền phủ quyết, đại diện khu vực, quy mô mở rộng và phương thức làm việc của Hội đồng Bảo an mở rộng, quan hệ giữa Hội đồng Bảo an với Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ông lưu ý rằng cho đến nay, Liên hợp quốc vẫn chưa tìm ra mô hình có thể làm hài lòng tất cả các nước thành viên, trong đó có các nước vừa và nhỏ, các khu vực hiện chưa được đại diện xứng đáng trong Hội đồng Bảo an như châu Phi.

Đại diện một số nước hiện đang là thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an như Anh và Pháp đã đề nghị “phương thức cải tổ tạm thời, “ theo đó thiết lập quy chế thành viên mới với nhiệm kỳ trên 2 năm để sau đó có thể chuyển thành quy chế thành viên thường trực.

Các nước này cho rằng mô hình cải tổ tạm thời như vậy có thể mở đường thoát khỏi bế tắc và tạo đà để cải tổ lâu dài.

Đại diện Phong trào không liên kết, khối nước chiếm hơn 2/3 số thành viên Liên hợp quốc khẳng định lại lập trường của châu Phi yêu cầu phải có ít nhất 2 ghế thành viên thường trực có quyền phủ quyết và 2 ghế thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an.

Nhóm các nước châu Phi không ủng hộ đề nghị cải tổ Hội đồng Bảo an thông qua một thời kỳ chuyển tiếp tạm thời vì cho rằng đề nghị này không đáp ứng yêu cầu của châu Phi và chỉ nhằm tránh một sự cải tổ nghiêm túc.

Đại diện nhiều nước đang phát triển cũng bác bỏ đề nghị cải tổ của đại diện các nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an và cho rằng đề nghị này thiếu rõ ràng và không thể là ưu tiên hàng đầu để xem xét của bất cứ nước đang phát triển nào.

Theo những đại diện trên, Hội đồng Bảo an phải đảm bảo sự đa dạng để có thể hoạt động hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục