Đượm “mùi” khủng hoảng

LHP Venice 2012 đượm “mùi” khủng hoảng kinh tế

Các tác phẩm tại Venice năm nay nói về khủng hoảng kinh tế dưới nhiều góc nhìn, từ ảnh hưởng của nó tới gia đình, các mối quan hệ...
Bất chấp không khí hào nhoáng với những ngôi sao trong các trang phục đắt tiền xuất hiện tại thảm đỏ, liên hoan phim Venice năm nay vẫn nhuốm màu khủng hoảng kinh tế, với nhiều bộ phim xoay quanh đề tài này.

Các tác phẩm tại Venice năm nay nói về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dưới nhiều góc nhìn, từ ảnh hưởng của nó tới gia đình, các mối quan hệ cho tới cả những giá trị tinh thần.

Theo đạo diễn Alberto Barbera, “cuộc khủng hoảng không chỉ tệ hại về mặt ảnh hưởng tới xã hội mà còn tới cả những giá trị truyền thống.”

Đạo diễn Ivano De Matteo tuyên bố rằng: “Tôi muốn cất tiếng nói thay cho những người không có cơ hội.” Bộ phim "Gli Equilibristi" của ông kể về một người đàn ông với cuộc đời hoàn hảo song đánh mất tất cả khi người vợ rời bỏ ông.

“Phim của tôi là nói về sự cân bằng kinh tế, về những người quá giàu để có thể được giúp đỡ và những người quá nghèo để có thể tồn tại. Đây không còn là vấn đề của riêng một hay hai người nữa mà nó đã thành một căn bệnh rồi. Không chỉ 2 tầng lớp giàu-nghèo mà tầng lớp trung lưu cũng ngày càng nghèo đi,” Ivano De Matteo nói.

Trong khi đó, bộ phim “Pieta” của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk lại kể về một kẻ sống cuộc đời du thủ du thực cho tới khi một người phụ nữ đột nhiên xuất hiện và nhận là mẹ hắn.

Đạo diễn Kim vốn rất nổi tiếng với các thông điệp mạnh mẽ qua các tác phẩm của ông, và ông đã chia sẻ tại buổi họp báo tại Venice: “Ngày nay, tất cả đều bị ám ảnh với ý nghĩ rằng tiền có thể giải quyết tất cả.”

“Chúng ta chính là kẻ đồng phạm với mọi thứ xảy ra trong thời đại này. Tiền sẽ làm ra nhiều thứ tệ hại nữa cho tới khi tất cả những con người thuộc thế hệ này ra đi.”

Trong bộ phim "E' stato il figlio" của Daniele Cipri, vị đạo diễn này đã kể về cuộc khủng hoảng tại Italy thông qua câu truyện về gia đình Ciraulo ở vùng Palermo. Trong gia đình này, người cha kiếm thu nhập bằng cách bán sắt vụn từ một con tàu cũ cho tới một ngày con gái ông bị giết bởi một viên đạn lạc. Cuối cùng gia đình này đã được đền bù những tổn thất do bọn mafia gây ra bằng tiền và quyết định mua một chiếc xe Mercedes.

Diễn viên Toni Servillo vào vai người cha chia sẻ: “Chiếc xe Mercedes là một hình ảnh ẩn dụ đầy ám ảnh, khi vật chất chi phối tất cả và chính là lăng kính miêu tả cuộc sống hiện tại của chúng ta.”

Không chỉ qua phim ảnh mà cuộc khủng hoảng kinh tế còn ảnh hưởng trực tiếp lên số lượng khán giả tới dự liên hoan phim năm nay. Nhiều khách sạn tại Lido, nơi tổ chức liên hoan phim đã lên tiếng phàn nàn rằng họ vẫn còn thừa phòng, trái hẳn với những năm trước khi các người hâm mộ điện ảnh đã đặt kín phòng từ mấy tháng trước.

Theo giới chuyên môn có mặt tại Venice, tình hình ảm đạm trên là do nạn tải phim lậu trên Internet cũng như tiền quảng cáo cho các bộ phim đã bị cắt giảm.

Các nhà tổ chức Venice cho biết họ đang cho thành lập một học viện điện ảnh nhằm khuyến khích các nhà làm phim kinh phí thấp. Liên hoan phim năm nay thậm chí còn có một hạng mục dành cho các phim ngắn được đăng lên Youtube có tên “Your Film Festival” (Liên hoan phim của bạn)./.

Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục