EU, Hà Lan bị kiện lên WTO về vấn đề tân dược

EU và Hà Lan bị kiện bởi việc thu giữ các loại tân dược của Ấn Độ và Brazil gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe tại nước nghèo.
Ngày 12/5, Ấn Độ và Brazil đã đưa vụ tranh chấp thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

EU và Hà Lan bị kiện do việc EU thu giữ các loại thuốc tân dược của họ có thể gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe tại những quốc gia nghèo và làm tổn hại đến thương mại toàn cầu.

Tranh cãi nổ ra xung quanh một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đang chia rẽ các nước giàu và các nước nghèo liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các tập đoàn, trong đó có việc các nhà sản xuất dược phẩm ngăn cản khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh của người dân tại các nước đang phát triển.

Ấn Độ cho biết EU và Hà Lan đã viện lý do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia trung chuyển để tiến hành thu giữ các lô hàng tân dược, mặc dù các loại tân dược bị nghi ngờ này là hợp pháp tại cả quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu.

Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Ấn Độ tại WTO, Ujal Singh Bhatia cho rằng việc thu giữ nói trên là một phần trong nỗ lực phối hợp của các nước giàu nhằm củng cố chế độ sở hữu trí tuệ hiện hành và rút lại cơ chế đối xử đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.

Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu EU và Hà Lan cung cấp danh sách các tân dược có thể bị thu giữ để qua đó Ấn Độ có thể điều tra các công ty sản xuất tân dược giả. Tuy nhiên, cho đến nay Ấn Độ vẫn không nhận được các danh sách chi tiết.

Về phần mình, các quan chức EU lập luận rằng mục đích của họ là kiểm tra để xác định các loại thuốc giả, chứ không nhằm ngăn cản người dân ở các nước đang phát triển nhận được thuốc chữa bệnh.

EU cũng đồng thời bày tỏ hy vọng tìm lối thoát ra khỏi cuộc tranh chấp thương mại này thông qua đàm phán.

Phát ngôn viên về vấn đề thương mại của EU John Clancy cho biết Ủy ban châu Âu đã tiến hành thảo luận nhiều tháng nay với Ấn Độ và cũng đã đưa ra những khái niệm pháp lý nhằm làm rõ các quy định về trung chuyển tân dược.

Ông đồng thời nhấn mạnh EU vẫn thực hiện đầy đủ các cam kết nhằm đảm bảo người dân ở những nước nghèo nhất có khả năng tiếp cận với các loại thuốc chữa bệnh.

Tranh cãi giữa hai bên phát sinh kể từ tháng 12 năm 2008, khi hải quan cảng Rotterdam Hà Lan thu giữ lô hàng thuốc điều trị bệnh huyết áp của Ấn Độ trung chuyển qua cảng này trước khi tới Brazil. Lượng thuốc bị giữ này đủ để điều trị bệnh cho khoảng 300.000 bệnh nhân trong vòng một tháng và sau đó đã được trả lại cho Ấn Độ.

Trong các năm 2008 và 2009, hải quan Hà Lan, Pháp và Đức đã thu giữ ít nhất 19 lô hàng tân dược quá cảnh của Ấn Độ, trong đó có các lô hàng thuốc chữa bệnh huyết áp, tim mạch, HIV/AIDS, tâm thần phân liệt và mất trí nhớ...

Cả Brazil và Ấn Độ đã yêu cầu tham vấn với EU và Hà Lan về vấn đề này và đây là bước đi chính thức đầu tiên theo thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO.

Các bên sẽ có 60 ngày để tự giải quyết, trong trường hợp không đạt được kết quả, Ấn Độ và Brazil có thể yêu cầu WTO thành lập một uỷ ban chuyên trách để xem xét liệu hành động của EU có vi phạm các quy định thương mại quốc tế hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục