Phát triển ngành thống kê Việt Nam hòa nhập quốc tế

Hội thảo đặt mục tiêu nâng cao tính hiệu quả, đưa thống kê Việt Nam lên vị thế cao hơn để đạt chuẩn trong cộng đồng thống kê quốc tế.
Ngày 28/4, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Thống kê phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn với các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học xây dựng chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học cho rằng thống kê đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Các số liệu thống kê trung thực, tin cậy, chính xác và kịp thời luôn được các nhà quản lý kinh tế, xã hội, nhà hoạch định chính sách... nhận diện đúng thực trạng vấn đề. Thông qua đó, người ta có thể đối chiếu, so sánh, đưa ra dự báo về xu hướng phát triển và giúp cho người lãnh đạo, người quản lý... có một quyết định đúng đắn.

Ở Việt Nam, các thông tin, số liệu thống kê trước đây thường được các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước sử dụng. Ngày nay, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế-xã hội, tổ chức nghiên cứu, người dân... cũng đang cần tiếp cận một hệ thống thông tin khách quan, chính xác, đồng bộ để phục vụ công việc hiệu quả hơn.

Do đó, ngành thống kê có đối tượng là toàn bộ lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhu cầu cung ứng thông tin minh bạch, khách quan, chính xác, kịp thời ngày cũng cũng đòi hỏi cao hơn.

Ông Christophe Bahuet, Trưởng Đại diện UNDP cho rằng muốn xây dựng ngành thống kê phát triển toàn diện, chuyên nghiệp đòi hỏi có nhiều tổ chức tham gia.

Cũng cần xem xét lại mối quan hệ giữa người sản xuất số liệu và người sử dụng số liệu xem có dễ dàng được tiếp cận số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời hay không, qua đó có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thống kê phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê (Tổng cục Thống kê) cho rằng hiện nay sự phân công hóa lao động ngày càng cao và diễn ra ngày càng sâu rộng, do đó thống kê ở Việt Nam đòi hỏi phải phát triển nhanh theo hướng hiện đại, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của mỗi Bộ, ngành, tỉnh, thành cũng như đất nước.

Vấn đề mấu chốt cần thay đổi đó là sự tin cậy của xã hội vào công tác thống kê, các số liệu thống kê được sản xuất và phổ biến phải dựa vào kết quả khách quan của người làm công tác chuyên môn, chứ không phải là sự can thiệp nào khác.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực và chế độ ưu đãi cũng cần được quan tâm đúng mức để đủ sức giúp ngành thống kê lôi kéo, tuyển chọn được người đầy đủ phẩm chất, năng lực trình độ chuyên môn về làm việc.

Hội thảo cũng nêu các mục tiêu chiến lược gồm: Hướng tới sản xuất thông tin thống kê có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện đầy đủ hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác theo luật định; hoàn thiện và mở rộng hoạt động phổ biến thông tin thống kê; tăng cường sự tin cậy của người sử dụng. Nâng cao tính hiệu quả và đưa thống kê Việt Nam lên vị thế cao hơn trong cộng đồng thống kê quốc tế.

Một trong các giải pháp lớn đó là đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin; tăng cường nghiên cứu ứng dụng phương pháp luận thống kê; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thống kê.../.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục