Phụ thuộc lẫn nhau

Trung-Mỹ phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết

Phục hồi kinh tế của Mỹ phụ thuộc rất lớn vào "chủ nợ"Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc rất cần thị trường Mỹ để xuất khẩu sản phẩm.
Sau 2 ngày thảo luận (27 - 28/7), "Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ" đã không đạt được bước đột phá cụ thể nào ngoài những cam kết, song có thể khẳng định tầm quan trọng của sự kiện này đối với quan hệ song phương cũng như các vấn đề toàn cầu.

Phải thừa nhận rằng hai bên đã đi đúng hướng khi bắt đầu cơ chế đối thoại này bằng các biện pháp xây dựng lòng tin và đề cao tinh thần trách nhiệm vì đó là những nhân tố chính đặt nền móng cho mối quan hệ Trung - Mỹ xích lại gần nhau hơn trong thế kỷ 21.

Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, mối quan hệ cơ bản Trung - Mỹ trước hết phải dựa vào nền tảng tài chính. Theo báo "Le Figaro" của Pháp, đây là sự phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn bao giờ hết giữa Bắc Kinh và Washington; trong đó kẻ cần vốn là Mỹ và người có tiền tiết kiệm là Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Mỹ đang sở hữu hơn 800 tỷ USD giá trị trái phiếu của nước này - đang ràng buộc với nhau và đang cần đến nhau.

Nếu Trung Quốc không mua trái phiếu của Mỹ, Washington khó có thể chi trả cho những thâm hụt ngân sách khổng lồ do các kế hoạch kích thích kinh tế.

Ngược lại, nếu không có thị trường Mỹ, các nhà máy của Trung Quốc khó có thể tiêu thụ sản phẩm. Do đó, những cam kết tại vòng đối thoại lần này như giải quyết mọi bất đồng kinh tế; trấn an nhau về khả năng giữ giá đồng USD để hai bên không rơi vào thế bất lợi; ủng hộ tự do thương mại... được coi là những viên gạch đầu tiên tạo dựng lòng tin và trách nhiệm giữa hai bên.

Rõ ràng, thành công trong chính sách phục hồi kinh tế của Mỹ phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc và ngược lại.

Ở thời điểm khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang làm đảo lộn mọi sự cân bằng chiến lược và khi các sáng kiến của các nhóm G-8, G-14 hay G-20 vẫn còn được "nâng lên, đặt xuống", cuộc đối thoại Trung - Mỹ đã khẳng định tầm quan trọng của nước đang phát triển nhất và nước đã phát triển nhất trong việc đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng, từng bước phục hồi và tiến tới một sự tăng trưởng ổn định và bền vững.

Nếu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George Bush, Trung Quốc chỉ là mối quan hệ kinh tế thuần túy đối với Mỹ, thì đến thời Barak Obama, Bắc Kinh đã được nâng lên tầm quan hệ đối tác thực sự, không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà mở rộng sang nhiều vấn đề chiến lược khác như năng lượng, biến đổi khí hậu, các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm như chương trình hạt nhân của Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chống khủng bố....

Dù hai bên mới chỉ đạt được sự nhất trí ở mức độ nhất định đối với những vấn đề trên, nhưng ít ra nó cũng giúp Bắc Kinh và Washington hiểu nhau hơn, đặc biệt khi thể hiện lập trường tại các diễn đàn quốc tế.

Trong một số vấn đề an ninh đang nổi lên như tình hình bất ổn tại Afghanistan và Pakistan, dù giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn thiếu sự hợp tác và trao đổi thẳng thắn, song có thể nói rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc gắn chặt với kết quả cuộc chiến chống khủng bố của Washington tại khu vực Nam Á này bởi sự gần gũi về mặt địa lý của Bắc Kinh trong khu vực.

Khả năng "Đối thoại quân sự Mỹ - Trung" có thể sớm được nối lại trong vài tháng tới càng chứng tỏ nhu cầu hợp tác giữa hai nước để giải quyết những vấn đề an ninh toàn cầu.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc đối thoại, Tổng thống Obama khẳng định mong muốn xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung mang tính “tích cực, hợp tác và toàn diện” trong thế kỷ 21 và điều này khá gần với cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm Bush về quan hệ “xây dựng, chân thành, hợp tác” giữa hai bên.

Thậm chí, ông Obama còn khẳng định rằng những cam kết mang tính chiến lược với Trung Quốc là một phần của giải pháp nhằm tháo gỡ những thách thức kinh tế, chính trị song phương và toàn cầu.

Điều đó cho thấy sự tiếp tục "chính sách Trung Quốc" của chính quyền Obama còn dựa trên mục tiêu đưa quan hệ Mỹ - Trung lên tầm cao mới.

"Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ" đã khiến giới phân tích nghĩ tới khả năng hình thành "Nhóm G-2" để giải quyết hiệu quả những vấn đề "nóng bỏng" của cộng đồng quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình trên có thể khiến một số đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ, lo ngại về nguy cơ chính quyền Obama mở rộng cơ chế đối thoại thành chính sách ngoại giao “thể chế hai cực Trung - Mỹ” để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và tạo ra lợi ích chung, một động thái có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Do đó, ngoài việc đề cao trách nhiệm và lòng tin trong quan hệ song phương, Trung Quốc và Mỹ cũng cần chú trọng thể hiện tinh thần trên trong quan hệ với phần còn lại của thế giới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục