Dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiếp cận tốt với nhu cầu

Các hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt hơn như tiết kiệm lãi suất bậc thang, tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm rút lãi và gốc linh hoạt. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng từ dân cư đã tăng mạnh và chiếm 35 - 40% vốn huy động. Lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng ngày càng tăng, góp phần tạo nguồn ngoại tệ đáng kể cho các ngân hàng và tăng thu nhập từ phí thanh toán.
Gần đây, các ngân hàng đã quan tâm và tập trung khai thác thị trường bán lẻ qua đó đã đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển các loại hình dịch vụ mới, đa tiện ích được xã hội chấp nhận như máy giao dịch tự động, internet banking, home banking, mobile banking....

Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo khoa học "Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các ngân hàng thương mại Việt Nam" đượcTrường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức sáng nay 6/11, tại Hà Nội.

Theo đó, các hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt hơn như tiết kiệm lãi suất bậc thang, tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm rút lãi và gốc linh hoạt. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng từ dân cư đã tăng mạnh và chiếm 35 - 40% vốn huy động.

Lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng ngày càng tăng, góp phần tạo nguồn ngoại tệ đáng kể cho các ngân hàng và tăng thu nhập từ phí thanh toán.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực, dịch vụ bán lẻ được thực hiện dưới nhiều hình thức như cho vay mua nhà, mua xe ô tô, du học, chứng minh tài chính, cho vay cán bộ công nhân viên, thấu chi... Do đối tượng phục vụ chủ yếu của Agribank là cá nhân, hộ gia đình, nên ngân hàng này có tỷ lệ dư nợ cho vay bán lẻ cao nhất.

Các ngân hàng thương mại khác do có sự đa dạng hoá hoạt động kinh doanh nên thị phần cho vay bán lẻ đã có sự cải thiện về cơ cấu và tỷ trọng. Tốc độ tăng trưởng của BIDV, Vietinbank khoảng gần 20%/năm, Vietcombank trên 10%/năm.

Việc phát triển dịch vụ bán lẻ đã tạo điều kiện nâng cao uy tín và thương hiệu của ngân hàng, giúp ngân hàng mở rộng thị phần hoạt động tín dụng và phi tín dụng, tăng lợi nhuận, giảm bớt rủi ro cho ngân hàng và tăng khả năng cạnh tranh cho mỗi ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thừa nhận, dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng có những khó khăn là món vay nhỏ, chi phí cao, khách hàng vay trải rộng khắp nơi, dễ rủi ro; các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng; kênh phân phối chưa đa dạng, phương thức giao dịch chủ yếu tại quầy.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ còn chưa có chiến lược tiếp thị rõ ràng, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp về tiếp thị dịch vụ ngân hàng bán lẻ nên tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ít.

Để dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, hội thảo thống nhất, các ngân hàng thương mại cần tăng cường tiếp cận với khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục