Thủ lĩnh của linh trưởng

Gặp "gã râu hùm" làm hồi sinh loài linh trưởng ở VN

Với Tilo, 20 năm gần gũi với linh trưởng VN không phải để mang chúng về nước mình, càng không vì để xẻ thịt, bán buôn, hay nấu cao!
Bế chú voọc vừa tròn 2 tháng tuổi trên tay, Tilo Nadler-“ông bố” của những loài linh trưởng quý hiếm ở rừng quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: “Nếu không được bảo tồn, nguồn gen quý hiếm này đã bị ‘sát thủ thú rừng’ sát hại, lấy thịt, nấu cao...”

Với Tilo, 20 năm gần gũi với linh trưởng không phải để mang chúng về đất nước, càng không vì lấy thịt, bán buôn. Ngược lại, ông luôn xem chúng như thể những “đứa con” thân yêu của mình.

Không chỉ vậy, ông còn là người đầu tiên làm hồi sinh những loài linh trưởng tại Việt Nam mà thế giới từng cho rằng chúng sẽ tuyệt chủng. Rồi chính ông đã lăn lộn đi khắp thế giới xin kinh phí, để lập nên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương (gồm voọc, khỉ và cu li).

Nhân duyên

Tilo Nadler năm nay đã ngoài 70 tuổi, song trông ông vẫn còn rất nhanh nhẹn, vạm vỡ, phong trần với vẻ gì đó rất “bụi bặm”.

Năm 1991, theo sự phân công của Trung tâm Zoologische Gesellschaft Franrfurt (Đức), Tilo đến Việt Nam tiến hành dự án nghiên cứu loài voọc mông trắng đã được báo cáo là tuyệt chủng ngoài tự nhiên, hiện chỉ có ở Việt Nam.

Sau gần một năm trời ròng rã tìm kiếm không có kết quả, tưởng chừng gã râu hùm sẽ bỏ cuộc, quay trở về nước. Nhưng, trước tiếng gọi văng vẳng của voọc, sự hấp dẫn của núi rừng Cúc Phương, đặc biệt là tình yêu với cô hướng dẫn viên du lịch người Việt, Tilo đã quyết định ở lại với núi rừng Cúc Phương và tiếp túc cuộc tìm kiếm nguồn gen quý hiếm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ Tilo-PV) chia sẻ: “Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng ghi lại được hình ảnh con voọc mông trắng. Nhưng kèm theo đó là cảnh người ta nhốt voọc vào lồng, đem ra chợ cho người ta chọc tiết, ngã giá trên từng khúc thịt còn đỏ tươi. Thật tội nghiệp."

Tuy nhiên, sau phát hiện kịp thời của ông Tilo, các nhà khoa học quốc tế đã vào cuộc nghiên cứu. Hội Động vật Franrfurt ngay sau đó đã nhanh chóng đầu tư kinh phí và chuyên gia giúp Tilo đứng ra thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, quý hiếm tại Vườn quốc gia Cúc Phương (năm 1993).

Thu Hiền nhớ lại: “Thời điểm bấy giờ, nhiều người cho rằng việc làm của chúng tôi là điên khùng và không ít người nghi ngờ thiện chí bảo tồn loài voọc. Bởi họ sợ anh Tilo râu hùm, mắt xanh, mũi nhọn sẽ ủ mưu bắt hết voọc, khỉ của Việt Nam để mang về rừng Tây.”

Nhưng, gặp nhau ở tình yêu lớn lao dành cho linh trưởng, người dân bản địa cũng dần thấu hiểu tấm lòng của Tilo. Đó là ‘vị cứu tinh,” sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với những kẻ săn bắn, để bảo vệ “đàn con,” của mình.

Nỗi lo thả voọc về rừng


Hướng đôi mắt về phía những "gia đình voọc", Thu Hiền kể rằng thời gian đầu mới đến Việt Nam, hễ ở đâu có tin báo vượn, voọc, khỉ, cu li bị xâm hại, Tilo lại lên đường. Có lần ông còn tự lái ôtô suốt từ sáng đến tối, vào tận Quảng Nam, chỉ để cứu một con chà vá bị thương.

Dọc đường, bị kiểm lâm kiểm tra, Tilo bế chú vọc trọng lượng 2kg, tanh tưởi máu mủ đau thương vì trúng bẫy trên tay, trong khi bản thân mình đứng dãi nắng nhưng vẫn không quên bẻ cành lá tươi xòe thành cái lọng xanh che cho “đứa con” tội nghiệp.

Với những hành động trên, từ nhiều năm nay Tilo luôn được xem là “thủ lĩnh” của 15 loài linh trưởng quý hiếm, nhất là 4 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, hiện đang chung sống tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (Vườn quốc gia Cúc Phương).

Tuy nhiên, theo Thu Hiền thì phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều đã và đang là nạn nhân của những vụ săn bắn, mua bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt nhiều linh trưởng khi được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang trên mình nhiều thương tích.

Chính vì vậy, việc phục hồi các vết thương và giúp linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên là việc làm hết sức khó khăn.

Thu Hiền chia sẻ: “Mặc dù mục tiêu của chương trình chăm sóc là tái hòa nhập thú linh trưởng vào tự nhiên, nhưng với hiện trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã đáng báo động như hiện nay thì chúng tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng và bất an khi thả những nguồn gen vô cùng quý hiếm này về với tự nhiên."

Cũng như nỗi lo của vợ, nhưng điều mà Tilo trăn trở nhất có lẽ là kẽ hở của pháp luật, sự "vô cảm" của một số cán bộ kiểm lâm.

Ông cho hay: “Tôi rất muốn đưa ‘đàn con’ của tôi trở về với thiên nhiên, nhưng liệu nó có thể tồn tại được ở rừng bao lâu? Trong khi kẽ hở pháp luật còn rất lớn, tình trạng săn bắn thú rừng ngày càng tinh vi. Chưa kể, một số cán bộ kiểm lâm còn 'vô cảm' hay không làm tốt chức trách?”

Thở dài sau phút trải lòng, Tilo ngậm ngùi nhìn những “đứa con” đang giàn giụa nước mắt rồi hướng cái nhìn xa xăm về phía rừng xanh./

Nằm trong khuôn khổ dự án: "Tái hòa nhập voọc mông trắng tại Khu bảo tồn thiện nhiên đất ngập nước Vân Long," ngày mai (2/11) Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) sẽ thả một số cá thể voọc mông trắng được cứu hộ về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đây là các cá thể voọc được EPRC cứu hộ, chăm sóc và huấn luyện tái hòa nhập vào tự nhiên trong thời gian qua.

Voọc mông trắng (tên khoa học Trachypithecus delacouri) là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và là một trong 5 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp của Việt Nam, có tên trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp hàng đầu thế giới- IUCN.


Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục