Giải pháp sản xuất và tiêu thụ lúa, thủy sản ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 27/2, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội lương thực, thủy sản báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về sản xuất lúa Đông Xuân 2012-2013, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1,53 triệu ha, giảm 46.000ha so với năm 2012; năng suất 69,1 tấn/ha; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn. Trong vụ này, có 13 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 71.000ha, tăng 40.000ha so với vụ Hè Thu năm 2012.

Với mô hình này, trong các vụ lúa 2011-2012, Đồng bằng sông Cửu Long lợi nhuận thu được cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha. Tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu 1 triệu ha và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Để việc tiêu thụ lúa gạo tại các cánh đồng mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới được ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các công ty thành viên của Hiệp hội lương thực làm đầu mối liên kết nông dân ký hợp đồng cung ứng đầu tư “đầu vào” thu mua, đầu tư hệ thống sấy, kho chứa, xay xát, tiêu thụ trong mô hình, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo quy trình VietGap và quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Năm 2012, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nuôi hơn 595.000ha tôm, sản lượng hơn 358.000 tấn. Tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng đến cuối năm 2012 đạt 5.910ha, sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, năng suất bình quân trên 274 tấn/ha.

Hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 70 đơn vị có nhà máy chế biến cá tra, bắt đầu hình thành sự phân hóa mạnh về năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam về thu mua lúa gạo tạm trữ, có 119 đơn vị được phân chỉ tiêu mua gạo tạm trữ và đến ngày 26/2 đã có 102 doanh nghiệp mua được 211.000 tấn gạo, đạt hơn 21% chỉ tiêu giao.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ, giá thu mua lúa trong dân được tăng thêm từ 200-500 đồng/kg.

Phó Thủ tướng khẳng định phát triển cánh đồng mẫu lớn là đi đúng hướng, góp phần thúc đẩy kinh tế trong vùng, nhất là đối với bà con nông dân.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ sản xuất lúa, thủy sản phù hợp với các mô hình, tiếp xúc nhiều với các đại diện doanh nghiệp để nghe tâm tư, nguyện vọng cùng có giải pháp phát triển, các hộ nuôi tôm và cá tra cần lưu ý với số lượng nuôi và giá.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp, khuyến nông và các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tăng cường gieo trồng lúa chất lượng cao, giảm lúa chất lượng thấp như lúa IR 50404.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nắm bắt thị trường, dự báo trên lĩnh vực xuất khẩu gạo, thủy sản, có giải pháp kịp thời, tìm kiếm mở rộng thị trường, công khai các tiêu chí doanh nghiệp được xuất khẩu gạo.../.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục