Đồng NDT sẽ có khả năng chuyển đổi hoàn toàn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định nước này muốn đồng NDT có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và được thả nổi.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương ngày 30/7 khẳng định nước này muốn đồng Nhân dân tệ có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và sẽ được thả nổi.

Tuyên bố trên được đưa ra 6 tuần sau khi Bắc Kinh cam kết nới lỏng việc kiểm soát đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Dịch Cương đồng thời là người đứng đầu Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE), không cho biết thời gian biểu của việc chuyển đổi hoàn toàn nêu trên.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Cải tổ Trung Quốc, ông Dịch Cương nói: "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chuyển đổi. Nói một cách chung nhất, tỷ giá hối đoái của một đồng tiền có khả năng chuyển đổi được thả nổi tự do."

Ông cũng cho biết, hiện không có "thời gian biểu chính thức" cho mục tiêu này bởi Trung Quốc rất rộng lớn và có sự phát triển không cân bằng, nên khó có thể đạt được sự đồng thuận.

Ông Dịch Cương cho biết thêm "không có cơ sở cho những dao động mạnh" về tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, song Chính phủ Trung Quốc có "các điều kiện để duy trì chế độ hối đoái linh hoạt." Ông đồng thời khẳng định Bắc Kinh đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tháng 7/2005, Trung Quốc đã tiến hành định lại giá đồng Nhân dân tệ sau 11 năm đồng tiền này ổn định so với đồng USD.

Hồi cuối năm 2008, các nhà chiến lược Trung Quốc cũng đã điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ là 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD, nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong giai đoạn kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng.

Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD và các khoản cho vay ngân hàng được nhà nước bảo trợ. Kinh tế cường quốc châu Á này đã tăng trưởng 11,1% trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 29/7 đã công bố một bản báo cáo dài 37 trang cáo buộc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang bị định giá thấp hơn khoảng từ 5-27%.

Theo báo cáo trên, việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ là một "hành động phản tác dụng trong nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa" của Trung Quốc, biện pháp then chốt trong chiến lược giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này.

Báo cáo cũng cho biết giới chức Trung Quốc nói rằng họ đang chuẩn bị để tỷ giá của đồng Nhân dân tệ "đáp ứng nhiều hơn nữa sức tăng của cung và cầu" sau tuyên bố thúc đẩy cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ nhằm tăng tính linh hoạt về tỷ giá đồng nội tệ ngày 19/6 vừa qua.

Ngoài những quan điểm khác nhau về đồng Nhân dân tệ, các quan chức IMF và Trung Quốc cũng tranh cãi về thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, một trong những yếu tố chính trong hoạt động giao thương của nước này.

Bắc Kinh cho rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc cần duy trì ở mức 4% so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một vài năm, trong khi các quan chức IMF dự đoán rằng con số này sẽ quay trở lại mức 8% GDP.

Giới phân tích nhận định rằng, việc Trung Quốc lần đầu tiên công khai báo cáo của IMF chỉ trích chính sách tiền tệ của Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy nước này tin tưởng rằng có thể kiểm soát được những tranh cãi xung quanh đồng Nhân dân tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục