“Cát tặc” hoành hành cạnh di tích Điện Biên Phủ

Ngay gần cụm di tích lịch sử Mường Phăng, nạn "cát tặc" đang hoành hành khiến môi trường, đường xá ở khu vực này xuống cấp, ô nhiễm nặng.
Nạn khai thác cát ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) - nơi gắn liền với cụm di tích Sở chỉ huy Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã xuất hiện từ lâu.

Trước nhu cầu của thị trường xây dựng, hoạt động khai thác cát của người dân trên địa bàn xã này càng gia tăng bởi sự buông lỏng, yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Vượt qua gần 30km trên cung đường rừng vòng vèo, uốn lượn men theo sống núi đầy ổ gà, ổ voi, nhiều điểm sạt lở lớn chúng tôi cũng đến được địa phận bản Ngưu, một trong 47 bản, đội của xã Mường Phăng.

Từ trên đỉnh con dốc bắt đầu đi vào trung tâm xã đã nghe rất rõ tiếng động cơ, còi xe ôtô, tiếng máy nổ ầm ầm từ hướng trung tâm xã vọng đến, cứ ngỡ tại địa bàn này đang thi công công trình lớn. Nhưng khi hỏi người dân mới biết đó là những chuyến xe đang vận chuyển cát ra khỏi địa bàn, tiếng máy nổ rền vang là từ hàng chục chiếc máy hút cát của người dân đang vận hành ở một vài bản gần đấy.

Khảo sát thực tế trên suốt chiều con đường đi vào trung tâm xã dẫn đến bản Mường Phăng, dễ dàng bắt gặp những điểm hút cát đang hoạt động. Cát được hút từ lòng suối Nậm Phăng, ở nhiều điểm khai thác cát nước bẩn chảy lênh láng ra đường gây ứ đọng và một lượng lớn nước bùn, đất từ hệ thống ống xả thải ra phủ kín những diện tích trước đây là mặt ruộng.

Phần lớn tại những điểm khai thác cát này là ruộng, bãi trống ven suối được người dân đồng ý cho các đối tượng khai thác cát thuê, mượn diện tích với mức tiền và thời gian sử dụng đã thỏa thuận. Do đó, một số diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân ven suối cho thuê làm điểm tập kết cát mất độ màu mỡ rất khó phục hồi.

Nguy cơ gây sạt lở làm biến dạng dòng chảy của suối Nậm Phăng đã trở thành hiện thực khi xuất hiện sạt lở, nạn “cát tặc” ở đây còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân sống gần các điểm khai thác cát.

Trao đổi với ông Lường Văn Ủa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng chúng tôi được biết trước đây tình trạng khai thác cát trên địa bàn chỉ diễn ra nhỏ lẻ, manh mún. Bây giờ dọc suối Nậm Phăng có khoảng 30 điểm khai thác cát thường xuyên, nhưng chỉ có 4 hộ được cấp giấy phép hoạt động khai thác cát.

Cái khó của chính quyền địa phương là thẩm quyền xử phạt hành chính chưa đủ mạnh, giá trị mang lại từ bán cát lớn nên sau khi bị xử phạt, các chủ máy hút cát lại tiếp tục khai thác.

Xã Mường Phăng có trên 1.700 hộ dân với hơn 8.800 khẩu, số hộ nghèo, đói chiếm hơn 41% (hơn 770 hộ). Trong phát triển kinh tế, chính quyền xã luôn ưu tiên và coi du lịch mục tiêu hàng đầu. Thực tế cho thấy xã có tiềm năng du lịch sẵn có để đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo từ du lịch. Bởi nơi đây có di tích lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia là Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quần thể khu du lịch Pá Khoang với thảm thực vật phong phú, nhiều loại thú quý hiếm, địa hình đa dạng, khí hậu trong lành giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Nguồn văn hóa phi vật thể như phong tục, tập quán của các dân tộc Thái, Khơ mú, Mông trên địa bàn còn nguyên giá trị đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.

Tuy vậy, hoạt động khai thác trái phép ở xã này đã làm cung đường du lịch từ thành phố Điện Biên Phủ qua Tà Lèng đi Mường Phăng xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn, trở ngại và tiềm ẩn rủi ro rất cao đối với khách khi lên đây. Do đó các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác “cát tặc” trên địa danh lịch sử này./.

Xuân Tiến-Phương Liên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục