Nhiều trường đại học có nguy cơ “cháy” sinh viên

Đã qua nửa thời gian nhận hồ sơ xét nguyện vọng 3, vẫn có rất ít thí sinh đăng ký, để tuyển đủ chỉ tiêu gần như là "bất khả thi" với một số trường.
“Thời gian xét tuyển nguyện vọng 3 đã trôi qua một nửa mà mới chỉ có vài thí sinh đến đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là gần 1.200 em. Chưa bao giờ việc tuyển sinh lại chật vật như năm nay," ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Dân lập Chu Văn An than thở.

Khó tuyển bởi có lẽ chưa năm nào số lượng trường đăng ký và số chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3 lại lớn như năm nay, với tổng số 97 trường, cả đại học và cao đẳng, trường công và trường tư, trường ở trung tâm Hà Nội đến các đại học vùng, từ miền Bắc đến miền Nam.

Điểm xét tuyển cũng rất thấp, chủ yếu là bằng điểm sàn, tức 13 điểm với khối A, D và 14 điểm với khối B, C.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng 3 kéo dài trong 20 ngày, bắt đầu từ 20/9 đến hết ngày 10/10. Đến nay, thời gian xét tuyển đã trôi qua một nửa nhưng tình hình hồ sơ của các trường rất ảm đạm.

Ông Định cho biết trong tuần đầu tiên của thời hạn xét tuyển nguyện vọng 3, trường không nhận được một hồ sơ đăng ký nào. Đến nay đã có lèo tèo vài bộ. Con số đó quá nhỏ nhoi so với chỉ tiêu gần 1.200 em ở hệ cao đẳng, đại học, chưa kể trường còn tuyển 500 chỉ tiêu hệ trung cấp.

Năm nay, Đại học Dân lập Chu Văn An được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho 1.500 chỉ tiêu đào tạo. Nhưng sau khi tuyển sinh nguyện vọng 1 và 2, trường mới tuyển được trên 240 thí sinh. Tất cả số chỉ tiêu còn lại đều trông chờ vào nguyện vọng 3. Tuy nhiên, với tình cảnh không chút khả quan này, chắc chắn năm nay trường sẽ “cháy” sinh viên. “Năm ngoái, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tuyển được 50% chỉ tiêu, nhưng năm nay thì chắc chắn không thể đạt được tỷ lệ này, dù nó vốn đã rất thấp,” ông Định buồn bã nói.

Với số lượng tân sinh viên ít ỏi như vậy, vị Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Đại học Dân lập Chu Văn An cho biết, sẽ cố gắng duy trì các ngành đào tạo để không thất hứa với thí sinh, nhưng nếu ngành nào ít quá, trường cũng sẽ phải vận động các em chuyền ngành.

Quá ít thí sinh nên hiện trên cổng thông tin điện tử của trường này, tìm mỏi mắt cũng không thấy danh sách thí sinh đăng ký nguyện vọng 3 như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây cũng là tình cảnh của rất nhiều trường, nhất là các trường ngoài công lập. Hàng loạt trường như Đại học Hà Hoa Tiên, Đại học Đại Nam, Đại học Võ Trường Toản…. đều im hơi lặng tiếng về nguyện vọng 3.

Ở trường công lập, tình hình cũng không mấy khả quan. Đại học Công đoàn tuyển nguyện vọng 3 cho 170 chỉ tiêu hệ đại học, 50 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Trong đó ở hệ cao đẳng có những ngành vốn rất được thí sinh ưa chuộng hiện nay như Kế toán (25 chỉ tiêu), Tài chính – Ngân hàng (20 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (15 chỉ tiêu).

Theo Ban tuyển sinh, đến 28/9, trường mới nhận được 167  hồ sơ đăng ký. Trong số này, chỉ có 45 em nộp vào hệ đại học, bằng 1/4 so với tổng số chỉ tiêu của hệ này.

Có những ngành chỉ tiêu lớn nhưng số thí sinh đăng ký rất ít như ngành Bảo hộ lao động, chỉ tiêu là 55 em nhưng chỉ có 3 thí sinh đăng ký. Ngành xã hội học, khối D, có 1 thí sinh ứng tuyển.

Đại học Nông lâm Bắc Giang tuyển 223 chỉ tiêu hệ đại học. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng để giãn điểm ưu tiên khu vực từ 0,5 điểm lên 1 điểm. Theo đó, điểm xét tuyển vào trường có thể giảm từ 1 đến 3 điểm.

Tuy “vớt” hết cỡ nhưng đến ngày 29/9, Ban tuyển sinh của trường mới nhận được hồ sơ đăng ký của 27 em. Trong đó, có thí sinh chỉ đạt 8 điểm. Như vậy, nếu cả 27 em này đều không rút hồ sơ để nộp sang trường khác thì Đại học Nông lâm Bắc Giang vẫn còn thiếu gần 200 chỉ tiêu. Để tuyển được đủ 200 tân sinh viên trong 10 ngày còn lại của thời hạn xét tuyển nguyện vọng 3 thực sự là "nhiệm vụ bất khả thi" với trường./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục