Quy trách nhiệm cá nhân, vẫn thản nhiên vi phạm

Hoạt động vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán không chỉ bị xử lý hành chính, mà Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu xác định trách nhiệm và nghĩa vụ tới từng cá nhân. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi mà danh sách các cá nhân sẵn sàng chấp nhận "gánh" trách nhiệm vi phạm vẫn ngày càng dài thêm.
Hoạt động vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán không chỉ bị xử lý hành chính, mà Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu xác định trách nhiệm và nghĩa vụ tới từng cá nhân. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi mà danh sách các cá nhân sẵn sàng chấp nhận "gánh" trách nhiệm vi phạm vẫn ngày càng dài thêm.

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã công bố và quy trách nhiệm một loạt các cá nhân (như người được ủy quyền công bố thông tin, kế toán trưởng, thư ký công ty, chuyên viên tài chính...) tại các công ty có lỗi vi phạm hành chính như Công ty cổ phần Thủy điện Nà Lơi, Sông Đà 6.06, Sông Đà 7.04, Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam...

Đáng chú ý, các "vị" phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của công ty này hiện đều đang giữ các vị trí công tác then chốt, đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn, năng lực quản trị, kinh nghiệm làm việc lâu năm...

Tuy nhiên có lẽ do các mức xử phạt tài chính quá thấp, mức cao nhất là 50 triệu đồng và thấp nhất là 10 triệu đồng, hoặc thậm chí chỉ là khiển trách hay chuyển công tác khác nên đã khiến họ sao lãng trách nhiệm và khiến tình trạng vi phạm hành chính về công bố thông tin trở nên phổ biến như chuyện thường ngày trên thị trường chứng khoán.

Anh Nguyễn Quang Thắng, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, việc vi phạm về công bố thông tin của các công ty đại chúng dường như "nhờn thuốc" với các hình thức xử phạt của Ủy ban, các cổ đông chỉ còn biết sống chung với tình trạng này.

Thậm chí không chỉ cán bộ, nhân viên mắc lỗi trong quá trình công tác mà nhiều cá nhân có vị trí cao cấp trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành cũng không ngần ngại mắc lỗi công bố thông tin về hoạt động giao dịch cá nhân mặc dù tất cả đều biết sẽ được “nêu danh” ra công chúng.

"Như trường hợp được công bố gần đây nhất là ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội thực hiện giao dịch bán cổ phiếu SHN trước ngày công bố thông tin và đã SSC bị phạt tiền 40 triệu đồng. Hay như việc Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh liên tục phải cập nhật danh sách các cổ đông liên quan không công bố thông tin khi giao dịch chứng khoán, tại các công ty như Hàng hải Đông Đô, Hóa An,  Cao su Bến Thành, Mía đường Lam Sơn... Đọc các thông tin xử phạt này mà thấy nản lòng," ông Thắng nói.

Theo SSC, riêng năm 2011, Ủy ban đã xử phạt hành chính đối với 164 tổ chức, cá nhân do có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán, tổng số tiền nộp vào ngân sách là trên 10 tỷ đồng. Các quyết định xử phạt đều được gửi đến tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện công bố công khai trên website của SSC.

Đại diện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ghi nhận, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm liên tục được tăng cường, đặc biệt là sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong Ủy ban và Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, mức độ phức tạp và tinh vi của hành vi vi phạm ngày càng gia tăng, trong khi phương tiện thực hiện giám sát, kiểm tra và mức độ răn đe còn nhiều hạn chế, văn bản hướng dẫn về việc xử lý hình sự chưa được ban hành, việc tính toán khoản thu lời bất chính còn có nhiều khó khăn. Công tác giám sát công ty đại chúng, công ty kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn. 

Luôn bám sát, theo dõi các hoạt động của thị trường, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, các vi phạm về công bố thông tin đã trở nên phổ biến và không có dấu hiệu giảm bớt mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã sử dụng nhiều biện pháp cứng rắn.

Theo ông Hải, nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm trên vẫn tiếp tục gia tăng một phần là do cơ chế và các quy định về các tội danh chưa được định rõ và cụ thể, các hình thức xử phạt thì chung chung và các mức tiền xử phạt thì không thấm vào đâu so với những lợi ích có được từ các vi phạm này.

“Thêm vào đó, hoạt động giám sát vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn yếu, do nhân lực mỏng. Do đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng nên xem xét mở rộng hình thức xã hội hóa thanh tra. Các tập thể, cá nhân sẽ tham gia giám sát cùng cơ quan nhà nước và những ai có công tố giác các hành vi vi phạm trên thị trường sẽ được thưởng một tỷ lệ trên số tiền phạt nhà nước thu được. Chứ chờ đợi vào sự tự giác của các cá nhân, doanh nghiệp niêm yết thì không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt,” ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB) cũng đưa ra một số kiến nghị cần phải có hình thức quy chuẩn việc công bố thông tin khoa học và rõ ràng, các công ty đại chúng bao gồm các công ty niêm yết và chưa niêm yết sử dụng vốn công chúng đầu tư để kinh doanh, do đó họ phải công khai minh bạch hoạt động của công ty với công chúng.

Công khai, minh bạch hoạt động của công ty là mối quan hệ giữa công ty đại chúng với công chúng đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch là người trung gian quản lý, giám sát để thông tin hai chiều đó được tốt nhất. Vì vậy, nội dung thông tin kỳ hạn thông tin và phương thức công bố thông tin phải được chuẩn hóa. Công ty đại chúng phải thiết lập website của mình theo mẫu thống nhất, do Ủy ban ấn hành. Tất cả thông tin của công ty chỉ được công bố trên website đó. Người đầu tư và cơ quan quản lý, giám sát khai thác thông tin của công ty tại nguồn tin đó.

“Làm như vậy, thị trường sẽ có thông tin thống nhất, đầy đủ, kịp thời và công bằng. Từ đó nhà đầu tư cũng giám sát được việc thực hiện cơ chế thông tin của công ty và hạn chế được thông tin nội gián, đây cũng là nguồn gốc của giao dịch nội gián,” ông Kỳ nhấn mạnh./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục