Công bố 4 Luật: Lưu trữ, Đo lường, Khiếu nại, Tố cáo

Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố bốn Luật: Lưu trữ, Đo lường, Khiếu nại và Tố cáo, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2012.
Sáng 6/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố bốn Luật: Lưu trữ, Đo lường, Khiếu nại và Tố cáo.

Cả bốn Luật này được thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012.

Khẳng định vị trí quan trọng của tài liệu lưu trữ, công tác lưu trữ

Luật Lưu trữ gồm 7 Chương, 42 Điều. Luật quy định về hoạt động lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ.

Luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chính chính trị-xã hội, tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân.

Lần đầu tiên, Luật quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với các tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật, cụ thể: "Sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật", "Sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật" (Điều 30).

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tài liệu lưu trữ có các nghĩa vụ: "chỉ dẫn số lưu trữ, độ gốc của tài liệu lưu trữ và cơ quan tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ; tôn trọng tính nguyên bản tài liệu khi công bố, giới thiệu, trích dẫn tài liệu lưu trữ; không xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân; nộp phí sử dụng tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật" (Điều 29).

Đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng


Gồm 9 Chương, 58 Điều, điểm mới của Luật Đo lường so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 là có một mục riêng quy định cụ thể về kiểm tra nhà nước về đo lường (quy định tại chương VII). Theo đó, Luật quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu.

Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp này.

Luật còn quy định kiểm định đối chứng khi kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng phương tiện đo. Việc kiểm định đối chứng được thực hiện bởi tổ chức kiểm định khác thuộc Danh mục tổ chức kiểm định được chỉ định. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc kiểm định đối chứng và phương tiện đo thuộc đối tượng phải được kiểm định đối chứng. Đây là điểm mới thứ hai nhằm bảo đảm tính khách quan, tránh sự thông đồng giữa cơ quan kiểm định và doanh nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại


Gồm 8 Chương, 70 Điều, Luật Khiếu nại quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và luật sư trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật khiếu nại, tố cáo và bổ sung các quyền và nghĩa vụ này nhằm bảo đảm sự phù hợp với trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần giải quyết khiếu nại của nhiều người về cùng một nội dung, Luật Khiếu nại đã bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Theo đó, nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại.

Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại (Khoản 4 Điều 8). Đồng thời Luật cũng bổ sung quy định về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này (Khoản 3 Điều 31).

Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cũng là một trong những nội dung mới của Luật Khiếu nại. Quy định này nhằm bảo đảm các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm chỉnh. Mục 4 Chương III đã xác định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo gồm 8 Chương và 50 Điều. Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo đã quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo.

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Luật Tố cáo cũng bổ sung một chương mới (Chương V) về bảo vệ người tố cáo. Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này không kể người tố cáo có yêu cầu hay không.

Việc quy định người tố cáo phải có văn bản yêu cầu bảo vệ chỉ áp dụng trong trường hợp họ có căn cứ cho rằng họ phân biệt đối xử về việc làm, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân, hay nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xác định các biện pháp bảo vệ phù hợp, bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục