Tổng thống đắc cử lo ngại về tương lai Honduras

Tổng thống đắc cử Honduras Porfirio Lobo tuyên bố lo ngại lớn nhất của ông là tương lai của Honduras kể từ thời điểm ông nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Honduras Porfirio Lobo ngày 30/11 tuyên bố lo ngại lớn nhất của ông là tương lai của Honduras kể từ thời điểm ông nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, dự kiến vào ngày 27/6/2010.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Telgucigalpa, ông Lobo nhấn mạnh sẵn sàng bắt đầu cuộc đối thoại dân tộc để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Mọi đối tượng có thể được mời tham gia cuộc đối thoại để bày tỏ quan điểm, lập trường.

Ông khẳng định tiến trình bầu cử vừa qua không liên quan tới sự kiện đảo chính ngày 28/6 và ông không có ý định tái cử. Vì vậy, Tổng thống đắc cử nêu rõ nếu ông phải cải tổ Hiến pháp thì điều đó không phải vì mục đích cá nhân mà nhằm mang lại lợi ích cho người dân.

Về vấn đề liên quan tới Tổng thống tiếm quyền Roberto Micheletti và Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya, ông Lobo cho biết Quốc hội sẽ quyết định trong ngày 2/12.

Theo Tổng thống đắc cử, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền định đoạt số phận chính trị của ông Zelaya, đúng như thỏa thuận Telgucigalpa-San Jose mà các bên ở Honduras đã ký.

Trong cuộc bầu cử ngày 29/11, ông Lobo, thuộc đảng Quốc gia đối lập, đã giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Tự do, ông Elvin Santos với tỷ lệ phiếu 56%/38%.

Hiện ông Lobo đang đối mặt với thách thức phải thuyết phục các nước ủng hộ Tổng thống hợp hiến Zelaya và thế giới rằng cuộc bầu cử vừa qua ở Honduras là hợp pháp.

Trong khi đó, nhiều nước vẫn kiên quyết không công nhận kết quả bầu cử ở Honduras.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lần thứ 19 diễn ra tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Tổng thống Mexico Felipe Calderon nêu rõ nền dân chủ tại các nước trong khu vực đang có những biểu hiện không dân chủ, trong đó cuộc đảo chính ở Honduras.

Tổng thống khẳng định lập trường kiên định của Mexico cùng một số nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đòi lập lại trật tự thể chế ở Honduras và kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những cam kết đa quốc gia vì dân chủ và nhân quyền.

Tây Ban Nha khẳng định không công nhận cuộc bầu cử ở Honduras, nhưng cũng không thể thờ ơ với nước Trung Mỹ này và kêu gọi hòa hợp dân tộc.

Cuba cũng ủng hộ quan điểm trên của Tây Ban Nha, đồng thời cáo buộc Mỹ đang hỗ trợ một chế độ độc tài. Argentina, Brazil, Venezuela cùng một số chính phủ cánh tả khác trong khu vực Mỹ Latinh khẳng định họ sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử này bởi việc làm đó đồng nghĩa với hợp pháp hóa cuộc đảo chính ngày 28/6.

Hiện chỉ có Mỹ, Peru, Panama, Colombia, Guatemala và Costa Rica công nhận cuộc bầu cử tổng thống ở Honduras./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục