Cải cách hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều trắc trở

Tỉ lệ ủng hộ tại quốc hội chưa đủ để dự luật cải cách hiến pháp có hiệu lực nên Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra trưng cầu dân ý về dự luật này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul ngày 12/5 đã phê duyệt dự luật cải cách hiến pháp của nước này, mở đường cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật đang gây nhiều tranh cãi ở quốc gia Hồi giáo này.

Trước đó, ngày 7/5, dự luật đã được Quốc hội nước này thông qua với 336/550 số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ này chưa hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết để dự luật có hiệu lực ngay lập tức, vì thế dự luật phải tiếp tục đưa ra trưng cầu ý dân.

Đây là một dự luật được đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đề xuất nhằm cải cách dân chủ , thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng với một số điều khoản được cho là nhằm giảm bớt quyền hạn của tòa án và quân đội, dự luật này đã gây nhiều tranh cãi và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Phe đối lập cho rằng những nội dung sửa đổi trong dự luật cải cách hiến pháp sẽ đe dọa trật tự thế tục ở quốc gia Hồi giáo này.

Đảng đối lập chính Nhân dân Cộng hòa (CHP) tuyên bố sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp hủy bỏ dự luật mà họ cho là sẽ củng cố quyền lực của đảng AKP, bác bỏ những lý lẽ của chính phủ nói rằng việc cải cách này là nhằm đáp ứng những yêu cầu về gia nhập EU.

Nhiều nhà quan sát cho rằng trong trường hợp dự luật cải cách hiến pháp bị bác bỏ, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan sẽ phải kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục