Lợi dụng tự do dân chủ để lôi kéo người dân đi kiện

Ngày 2/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xét xử phúc thẩm vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.
Ngày 2/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xét xử phúc thẩm vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức đối với 2 bị cáo Hồ Thị Huệ (46 tuổi, ngụ huyện xã Phước Đông, Gò Dầu, Tây Ninh) và Nguyễn Bích Thủy (41 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh).

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Huệ 2 năm tù, Thủy 2 năm tù. Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 14/3, Tòa án Nhân dân huyện Gò Dầu đã phạt Huệ 3 năm tù, Thủy 3 năm tù.

Theo cáo trạng, Dự án Khu liên hợp Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Phước Đông-Bời Lời được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phê duyệt, giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Gò Dầu trực tiếp thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để giao cho Công ty đầu tư Sài Gòn VRG, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam thi công.

Trong quá trình thu hồi, đền bù đất, hầu hết người dân chấp hành chủ trương chung, giao đất, nhận tiền đền bù. Riêng Hồ Thị Huệ có 7.322,5m2 đất nông nghiệp trồng cây hằng năm nằm trong Dự án Phước Đông-Bời Lời, thuộc diện giải toả nhưng Huệ không nhận tiền đền bù. Huệ rủ rê, lôi kéo 6 hộ khác không nhận tiền đền bù, tập trung thành nhóm với Huệ để đi khiếu kiện nhiều nơi, từ cấp huyện Gò Dầu, cấp tỉnh Tây Ninh, rồi ra Hà Nội.

Trong quá trình khiếu kiện, Huệ gặp và quen với Nguyễn Bích Thủy, là người hoàn toàn không có đất bị thu hồi trong Dự án Phước Đông-Bời Lời; Huệ rủ Thủy tham gia khiếu kiện cùng Huệ ở Dự án Phước Đông-Bời Lời, yêu cầu nhà nước phải đền bù với giá 2,2 tỷ đồng/ha. Huệ hứa khi được đền bù với mức giá trên, Huệ sẽ “trả công” cho Thủy, Thủy đồng ý và tích cực tham gia cùng Huệ.

Ngoài việc lôi kéo các hộ dân chưa nhận tiền đền bù trong Dự án Phước Đông-Bời Lời đi khiếu kiện, Huệ và Thủy dựa vào một bài báo trên mạng (cả 2 khai nhận là thuê người viết) để kích động, lôi kéo những người dân có đất bị thu hồi ở Dự án Phước Đông-Bời Lời, kể cả những hộ đã nhận tiền, tập trung khiếu kiện đông người.

Cả hai bị cáo đã nói dối các hộ dân là theo Nghị định 69 của Chính phủ, tất cả các hộ dân có đất bị thu hồi ở Dự án Phước Đông-Bời Lời đều được nhận đền bù mức giá 2,2 tỷ đồng/ha.

Ngoài ra, Huệ còn lừa dối người dân khi nói rằng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và huyện Gò Dầu đã gặp riêng Huệ và Thủy để “thương lượng” mức giá đền bù 2,2 tỷ đồng/ha, nhưng vì lợi ích của bà con nhân dân, Thủy và Huệ không chấp nhận mà tiếp tục “đấu tranh."

Những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt của Huệ và Thủy đã khiến một số người nhẹ dạ, cả tin nghe theo, tập trung đi khiếu kiện, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương, gây thiệt hại và làm chậm tiến độ thi công của nhà đầu tư.

Trong quá trình khiếu kiện, Huệ và Thủy đã nhiều lần có những lời lẽ, viết đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ tỉnh Tây Ninh và huyện Gò Dầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, việc Huệ, Thủy kích động người dân ngăn cản thi công xây dựng trong một thời gian đã làm thiệt hại cho nhà đầu tư với thiệt hại trực tiếp là 5,8 tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp về kinh doanh là 31,1 tỷ đồng, thiệt hại trực tiếp về đầu tư là 28 tỷ đồng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tại phiên tòa ngày 2/8/2012, bị cáo Nguyễn Bích Thủy đã thừa nhận hành vi của mình, đồng thời khẳng định mình hoàn toàn không có đất trong Dự án Phước Đông-Bời Lời. Trong khi đó, bị cáo Huệ là người có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã giảm án cho 2 bị cáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục