Chè San tuyết có thể chỉ còn là câu chuyện cổ tích

Nhiều người e ngại, với tốc độ chè chết như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, thương hiệu chè San tuyết ở đây chỉ còn là chuyện cổ tích.
Những tưởng sau khi báo chí lên tiếng sẽ không còn chuyện những cây chè San tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở xã Suối Giàng ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị đánh bật gốc, theo đoàn xe tải xuống núi để làm cây cảnh cho những đại gia thích chơi “hàng độc.”

Rừng chè cổ thụ sẽ được bảo vệ, chăm sóc và truyền lại cho con cháu đời sau. Tiếc rằng vùng chè cổ thụ quý giá mà thiên nhiên “hảo tâm” ban tặng cho vùng đất nói trên đang tiếp tục bị giảm trầm trọng cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân một phần do cây quá già cỗi, phần lớn là do bị mối ăn vào thân, vào cành khiến cây bị chết. Nhiều người e ngại, với tốc độ chè chết như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, thương hiệu chè San tuyết nơi đây chỉ còn là câu chuyện cổ tích.

Người dân tộc Mông ở Suối Giàng gọi mảnh đất nơi mình đang sinh sống là Cổng trời, là vùng đất có độ cao 1.400m so với mực nước biển, nơi đây khí hậu trong lành, quanh năm mây mù giăng kín lối đi... Từ lâu, Suối Giàng đã được vinh danh bởi rừng cây chè San tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã làm nên thương hiệu cho cả ngành chè Yên Bái.

Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích chè Suối Giàng hiện có gần 400ha, trong đó chè cổ thụ có gần 40.000 gốc từ 100-300 tuổi. Đặc biệt, trong đó có cây chè được xếp vào danh sách một trong sáu cây chè thủy tổ của thế giới. Hàng năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi, bán với giá trung bình 10.000đồng/kg, thu về cho bà con trong xã trên 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống bà con trong xã ngày càng nâng lên, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững từ những cây chè cổ thụ này.

Ông Vàng A Dao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Giàng dẫn chúng tôi lên khu Bản Mới, một trong những bản có diện tích chè San tuyết cổ thụ lớn nhất xã. Ngay bên đường đi, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những cây chè cổ thụ bị mục nát do mối gặm nhấm, nhiều chỗ có 3-4 cây cạnh nhau đều bị chết. Đi sâu vào khu quy hoạch vùng chè cổ thụ, hình ảnh nhũng chè cổ thụ chết càng dễ gặp hơn. Đa số các cây chè cổ thụ đều bị mối ăn, nhiều cây bị mối ăn hết phần gốc xông lên tận ngọn.

Quan sát những cây chè bị mối ăn cho thấy, ban đầu chúng ăn phía gốc rồi chạy dọc lên thân cây, những đường mối đi như những sợi chỉ kéo dài từ gốc lên đến tận ngọn. Nhiều cây chè bị mối ăn chỉ còn lại 4-5 cành, nhưng những cành này cũng đang bị mối ăn và nằm chờ chết. Khi một cây bị mối ăn cho đến chết hẳn thì chúng lại “hành quân” sang ăn cây khác. Vì thế, diện tích cây chè San tuyết cổ thụ bị mối ăn đang tăng dần theo cấp số nhân.

Ông Dao cho biết tình trạng mối xông chè cổ thụ đã xuất hiện hơn chục năm nay, nhưng ba năm trở lại đây, chè chết ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân là do người dân chăn thả gia súc khiến cỏ ở quanh gốc chè chết hết, do đó không giữ được độ ẩm nên vô tình tạo cơ hội cho mối phát triển và ăn vào gốc chè. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích chè bị mối ăn khoảng 30ha, tập trung nhiều ở thôn Bản Mới, thôn Giàng B và một số khu khác.

Gặp người đàn ông đang hái búp trên cây cây chè cổ thụ hơn 200 tuổi, hỏi thăm được biết ông là Tráng A Sang, 54 tuổi, ở thôn Bản Mới. Tay chỉ vào cành lớn nhất đang bị sần sùi, mục rỗng, giọng ông Sang chua chát: “ Mối ăn đấy. Mối ăn hết gốc rồi chuyển lên cành, lên ngọn cây... Nó ăn thế này thì mình lấy gì mà ăn.”

Theo ông Sang, năm 2009, gia đình ông có 219 gốc chè San tuyết cổ thụ thì giờ chỉ còn khoảng 190 cây. Hiện, những cây này đều bị ảnh hưởng bởi mối, nhiều cây đã bị mối bị ăn lên tới ngọn. Vì vậy, búp chè của những cây này không còn mập như trước đây, nên năng suất và chất lượng của chè bị giảm là điều dễ hiểu.

Ở xã Suối Giàng, người dân sống chủ yếu dựa vào cây chè, thu nhập của nhiều gia đình sống dựa hoàn toàn vào những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi này. Bởi vậy, nạn chè cổ thụ bị chết do mối ăn đang là bài toán khó mà chính quyền địa phương và người dân vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Ông Vàng A Dao kể lại, năm 2011, trước tình trạng chè chết, một số người dân đã tự mua thuốc diệt mối để phun thẳng vào chỗ mối ăn ở trên thân và cành cây. Sau một thời gian kiểm tra thấy cây không bị mối ăn tiếp nữa. Người dân Suối Giàng vui mừng vì “bài toán” mối ăn chè đã được giải một cách dễ dàng. Nhưng, khi “thành tích” này được báo cáo lên xã, xã báo lên huyện thì cán bộ phòng nông nghiệp huyện Văn Chấn lại vội vàng lên tận nơi khuyên bà con không nên dùng thuốc để diệt mối. Cán bộ giải thích, làm như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chè, ảnh hưởng đến thương hiệu chè San tuyết Suối Giàng.

Còn nhớ, cách đây không lâu, thương hiệu chè San tuyết nức tiếng nơi đây đã từng nhận một bài học cay đắng. Khi thương hiệu chè Suối Giàng đang nổi tiếng khắp nơi thì giá bán của loại chè này cũng rất cao, người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng vì lợi nhuận kinh doanh trước mắt, nhiều thương lái đã pha với các loại chè trung du để bán khiến người tiêu dùng không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Vậy nên, có thời gian khá dài, thương hiệu chè Suối Giàng không còn được thị trường ưa chuộng như trước, khiến người trồng chè ở Suối Giàng gặp khó khăn trong thời gian khá dài.

Mấy năm gần đây, chè San tuyết Suối Giàng đang dần lấy lại thương hiệu của mình bằng sản phẩm chè sạch với chất lượng đặc biệt không thế lẫn với bất cứ loại nào. Vậy nên, khi cán bộ khuyến cáo nhân dân không dùng thuốc để diệt mối thì ai cũng nghe vì không muốn làm ảnh hưởng đến thương hiệu chè San tuyết một lần nữa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Chấn cho biết huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và tổ chức khoa học nông nghiệp đi khảo sát thực tế nhằm tìm ra biện pháp thích hợp để cứu lấy những gốc chè cổ. Tuy nhiên, sự hợp tác này mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu và chưa có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra.

Trước tình hình này, ông Toản khuyến cáo, để hạn chế mối ăn, bà con nên chủ động trồng dặm những cây con vào vị trí cây chết; chăm sóc tốt các cây chè cổ còn lại; không nên chăn thả gia súc vào rừng chè cổ thụ và tìm cách giữ ẩm cho đất nơi xung quanh gốc chè…

Trong khi chờ đợi cấp trên tìm ra biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này, thì hàng ngày, người dân nơi đây chỉ biết đưa ánh mắt xót xa nhìn “cây vàng” của mình chết dần chết mòn mà chẳng làm gì được. Tại đây, vẫn còn đó những lời khẩn cầu tha thiết mong cứu lấy rừng chè San tuyết cổ thụ nổi tiếng nơi Cổng trời./.

Trung Kiên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục