Tính rời bỏ quê hương

Nhiều người Ai Cập tính chuyện rời bỏ quê hương

Giới thượng lưu và nhiều người theo Thiên Chúa giáo ở Ai Cập đang tính rời bỏ đất nước nếu phe Hồi giáo lên cầm quyền ở nước này.
Tại một đất nước có đa số là người Hồi giáo và bảo thủ, nhiều năm qua Ai Cập đã thành công khi duy trì được một lối sống tự do hơn.

Nhưng việc các đảng Hồi giáo đang thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập đang gây ra lo ngại cho giới thượng lưu nước này, nhất là những người theo đạo Thiên Chúa giáo, và một số đã nghĩ đến chuyện sống lưu vong tại nước ngoài.

Tại một câu lạc bộ thể thao ở quận trung tâm Zamalek, thủ đô Cairo, bà Najla Fahmi, 50 tuổi, nói: "Tôi hy vọng họ sẽ không áp đặt phụ nữ phải trùm khăn và sẽ không cấm phụ nữ lái xe ôtô như tại Arập Xêút."

Tại sảnh khách sạn 5 sao Marriott, Nardine, 25 tuổi, một người theo Thiên Chúa giáo, hiện đang làm việc trong một ngân hàng, thú nhận đã nghĩ tới chuyện rời bỏ Ai Cập, đất nước hiện đang có khoảng 8 triệu người Thiên Chúa giáo sinh sống. Đây là số lượng người theo đạo này đông nhất trong khu vực.

Cô Nardine nói: "Bố tôi đang nghĩ rất nghiêm túc việc gửi tôi ra nước ngoài với các anh trai tôi vì ông ấy cho rằng không có bất cứ tương lai nào cho chúng tôi nếu những người Hồi giáo lên nắm quyền."

[Phe Hồi giáo giành lợi thế bầu cử áp đảo ở Ai Cập]

Cách đó không xa, Angie đang ngồi với bạn và nói đến chuyện ra nước ngoài. Angie cho biết: "Chồng tôi đã nhận được đề nghị làm việc tại Dubai. Lúc đầu, tôi vẫn còn do dự. Nhưng hiện nay, với tất cả những gì đang diễn ra, tôi giục chồng tôi cần phải ra đi và tôi sẽ đi cùng với 2 con gái của tôi, vì vùng Vịnh đã trở nên tự do hơn so với Ai Cập."

Về phần mình, Imed Andraous, một kỹ sư tin học theo đạo Thiên Chúa giáo đã từng có dự định gửi con ra nước ngoài để học tập, khẳng định: "Nếu các đảng Hồi giáo giành thắng lợi, chúng tôi sẽ không còn đường sống nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ ở lại."

Trong khi đó, Ahmed Guabri thì nói: "Tôi sẽ rời bỏ đất nước. Tôi sẽ không chịu nổi khi phải sống trong một bầu không khí bảo thủ. Tại sao họ không để cho mọi người sống như mong muốn?"

Những người khác cũng đã nghĩ đến những giải pháp rút lui trong trường hợp phe Hồi giáo chắc chắn giành chiến thắng.

Bà Olfat el-Bechbichi, mẹ của một gia đình, khẳng định: "Tôi có một căn hộ tại Síp mà tôi đã dự định bán. Thật may là tôi đã chưa làm điều đó. Tôi sẽ không thể sống được ở đây nếu họ áp đặt ý kiến của họ."

[Bản đồ sức mạnh Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi]

Theo những kết quả sơ bộ được báo chí Ai Cập đăng tải trong ngày 3/12, các đảng Hồi giáo đã giành thắng lợi lớn trong vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập, diễn ra trong hôm 28-29/11 vừa qua.

Một số nhà phân tích cho rằng, liên minh của tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được tổng cộng khoảng 60 đến 70% số phiếu. Tiếp theo là liên minh Đảng Hồi giáo Al-Nour.

Bà Samia, nha sỹ, 48 tuổi, nói trong sự lo ngại: "Nếu thực sự họ giành thắng lợi, đó sẽ là một thảm họa vì tôi sẽ không thể đi tập thể thao hay đi chơi với bạn tôi được nữa."

Tuy nhiên, bạn của bà Samia là Manar lại cho rằng: "Họ không làm tôi sợ. Chúng ta có sự dân chủ. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thể quyết định sự thay đổi nếu họ không phù hợp với chúng ta"./.

Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục