Tri thức trẻ về huyện nghèo cần chọn người có tâm

Tuyển chọn 600 tri thức trẻ, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo cần người nhiệt tình, đạo đức tốt.
Từ tháng 5/2011 đến tháng 12/2012 sẽ tuyên truyền, tuyển chọn và bố trí đủ 600 tri thức trẻ, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết tại Hội nghị triển khai, thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã, do Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức ngày 5/5, tại Hà Nội.

Hội nghị đã thống nhất cách thức tuyên truyền, tuyển chọn đội viên dự án cũng như vấn đề thẩm quyền trách nhiệm của các địa phương, bộ ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, trong quá trình tuyển lựa, ngoài những điểm mấu chốt cơ bản là có sức khỏe, có sự nhiệt tình, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc, phải cố gắng lựa chọn người có khả năng quản lý, ưu tiên thanh niên là người dân tộc thiểu số, người thuộc tỉnh có huyện nghèo, người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hết sức tránh những trường hợp chính sách, vì đây không phải là để hưởng thụ, mà là chọn người đến những vùng khó khăn, vất vả, phải lao tâm khổ tứ cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó đi lên, do đó phải chọn người có tâm.

Việc tuyển chọn phải được lãnh đạo tỉnh thực sự quan tâm, thẩm định, rà soát chặt chẽ, thường xuyên theo dõi đánh giá và tạo mọi điều kiện cho họ phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình.

Đào tạo, trang bị kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm cũng như đầu ra cho các Phó Chủ tịch xã sau khi hết nhiệm kỳ như thế nào là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng, Thái Hồng Thịnh nhìn nhận việc đưa tri thức trẻ về các xã trên là việc làm cần thiết để tăng cường cán bộ cho các xã, huyện nghèo. Yếu tố cán bộ là một trong những yếu tố quyết định sự lãnh chỉ đạo và thực hiện phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở.

Tuy nhiên, người được chọn để tạo nguồn cán bộ bổ sung phải có trình độ chuyên ngành cơ bản phù hợp với cơ sở và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xã nào có điều kiện phát triển mạnh về lĩnh vực nào thì bố trí cán bộ có trình độ liên quan về lĩnh vực đó, gắn với tình hình thực tế địa phương. Nên định ra một số ngành cụ thể, xem xét thống nhất về ngành nghề đào tạo để tuyển chọn cho phù hợp.

Dự án đưa ra là sau khi tuyển chọn, sẽ đào tạo tập trung 3 tháng. Song, nếu có thể, nên chia ra các khu vực vì mỗi khu vực có đặc thù khác nhau, ở khu vực nào thì đưa về đào tạo tại đó, gắn với điều kiện thực tế tại địa phương sẽ hợp lý hơn, ông Thịnh đề xuất.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc thì cho rằng các huyện rất cần cán bộ trẻ có nhiệt huyết nhưng cũng phải có kiến thức chuyên môn. Chỉ nên tập trung tuyển chọn và đào tạo một số ngành chủ yếu như nông lâm ngư, quản lý đất đai. Người được lựa chọn phải có khả năng hướng dẫn bà con phát triển cơ sở hạ tầng miền núi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới. Để tạo sức hấp dẫn, sau khi tuyển chọn cần bố trí vào biên chế.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi Trần Văn Thanh băn khoăn đầu ra cho các em chưa vững chắc, đưa các em về khi yếu tố pháp lý chưa đầy đủ, các em sẽ hoạt động hết sức khó khăn vì muốn lên Phó Chủ tịch xã phải trải nghiệm rất lâu thì mới có thể đứng ở cương vị đó.

Đứng trước đồng bào mà chưa hiểu hết phong tục tập quán, chưa có trải nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, chưa gắn chặt với vùng đó sẽ gặp không ít trở ngại. Phải tính đến việc lo đầu ra cho các em, lo biên chế cho 600 người. Nếu các đội viên dự án không tiếp tục ở xã nữa phải được giao cho huyện, tỉnh bố trí xét tuyển theo quy định, khi dự án hoàn thành, các em có công việc đâu vào đó, phấn đấu tốt sẽ tiếp tục được đào tạo lên cao hơn.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, khi vừa tuyển chọn đã là công chức ngay thì sau này, không đạt yêu cầu, không phát huy được sẽ rất khó, do vậy, dự án chỉ đặt ra là được hưởng chế độ như công chức, khi được sắp xếp vào xã hay lên huyện thì mới bố trí vào công chức.

Bản thân đội viên dự án chỉ muốn đi vài năm rồi chuyển, không muốn ở xã nữa thì tỉnh, huyện phải bố trí lo đầu ra. Do vậy, công tác tuyên truyền phải làm sao để họ nhận thức rõ khó khăn cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia dự án. Tiêu chuẩn đặt ra trong dự án là rất cao nhưng trong thực tế sẽ khó chọn, nên các địa phương cần vận dụng linh hoạt.

Dự án tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã được thực hiện tại 600 xã trong số 894 xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Dự án được triển khai từ năm 2011-2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục