Diễn đàn quốc tế phát triển lưu vực sông Hồng lần 4

Diễn đàn quốc tế về lưu vực sông Hồng lần 4, năm 2012 giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tổ chức 9/11, ở Lào Cai.
Ngày 9/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai đã diễn ra “Diễn đàn quốc tế lưu vực sông Hồng lần thứ tư, năm 2012 ” giữa tỉnh Lào Cai của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Đây là hội thảo quốc tế thường niên do hai tỉnh tổ chức luân phiên hai năm một lần.

Với chủ đề “Hợp tác kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trương phát triển du lịch bền vững lưu vực sông Hồng,” diễn đàn có sự tham dự của 150 đại biểu là lãnh đạo Châu Hồng Hà thuộc Vân Nam, Trung Quốc; tỉnh Lào Cai, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội...

Các đại biểu đã thảo luận về quá trình hình thành, phát triển trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam-Trung Quốc) - Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam) nhất là những thành công, thách thức, giải pháp và định hướng trong thời gian tới; mở rộng nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của lưu vực sông Hồng hiện tại và tương lai; hợp tác phát triển du lịch bền vững giữa châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam và tỉnh Lào Cai.

Thông qua các hoạt động trên nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam, góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt-Trung.

Hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, các học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu… có uy tín của Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, các tham luận chủ yếu tập trung theo bốn chủ đề chính như hợp tác và giao lưu về kinh tế, thương mại; đường sắt Điền-Việt và phát triển du lịch; văn hóa các dân tộc của hai nước và giao lưu hữu nghị Việt-Trung.

Qua thảo luận, các nhà khoa học của hai nước Việt-Trung đều nhất trí khẳng định vai trò cầu nối quan trọng của Lào Cai và Vân Nam trong giao lưu kinh tế-văn hóa giữa đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam) và vùng Tây Nam (Trung Quốc).

Với chiều dài lịch sử của sự phát triển kinh tế-xã hội lưu vực sông Hồng để lại những giá trị văn hóa đặc sắc, giúp cho các học giả, nhà khoa học nghiên cứu một cách sâu rộng hơn đối với lịch sử, văn hóa, giáo dục và sự phát triển xã hội lưu vực sông Hồng; đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội lưu vực sông Hồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là trong giai đoạn chương trình hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai” đang được hai nước Việt-Trung tiến hành có hiệu quả cao.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết hợp tác kinh tế, văn hóa qua lưu vực sông Hồng thời gian tới cần chú trọng chuyển đổi mô hình theo hướng phát triển bền vững; coi trọng sự hài hòa với môi trường tự nhiên, hài hòa lợi ích giữa các đối tác.

Bởi giao lưu qua lưu vực sông Hồng thực chất là giao lưu giữa núi rừng với đồng bằng và biển cả, giao lưu trong quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa… Vì vậy, giao lưu hợp tác kinh tế, văn hóa qua lưu vực sông Hồng cần tuân theo định hướng phát triển bền vững.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 9-10/11, sau đó các đại biểu đi tham quan thực tế tại các điểm du lịch Bắc Hà, Bảo Yên, Lào Cai (Việt Nam) và thành phố Khai Viễn, Vân Nam (Trung Quốc)./.

Lục Văn Toán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục