Ấn Độ ban hành luật bồi thường hạt nhân dân sự

Trong dự luật được Thượng viện Ấn Độ thông qua, số tiền bồi thường khi xảy ra tai nạn hạt nhân sẽ giới hạn ở mức 320 triệu USD.
Thượng viện Ấn Độ ngày 30/8 đã thông qua dự luật quy định "Trách nhiệm bồi thường dân sự về thiệt hại hạt nhân," được xem là một bước quan trọng hướng tới mở cửa thị trường hạt nhân dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia Nam Á này.

Theo dự luật trên, số tiền bồi thường trong trường hợp xảy ra một tai nạn hạt nhân được giới hạn ở mức 320 triệu USD.

Dự luật đã được Hạ viện Ấn Độ thông qua ngày 25/8 và dự kiến sẽ được Tổng thống Ấn Độ ký ban hành thành luật trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 11 tới.

Giới chuyên gia ước tính thị trường năng lượng hạt nhân đầy tiềm năng của Ấn Độ trị giá 150 tỷ USD khi khoảng 40% hộ gia đình ở nước này vẫn chưa được dùng điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, các công ty tư nhân, đặc biệt là của Mỹ, vẫn do dự trong việc đầu tư vào thị trường này khi chưa có văn bản luật nào giới hạn mức bồi thường trong trường hợp xảy ra một tai nạn hạt nhân.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết việc thông qua dự luật trên sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ Ấn Độ bị phân biệt đối xử trên thị trường hạt nhân toàn cầu.

Sau khi Ấn Độ tiến hành thử hạt nhân vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nhóm các nhà cung cấp hạt nhân gồm 45 nước thành viên đã cấm mua bán công nghệ hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Lệnh này đã được hủy bỏ sau khi Ấn Độ và Mỹ ký hiệp định hạt nhân dân sự năm 2008.

Tuy nhiên, quy định giới hạn mức bồi thường thiệt hại đã gây dư luận phản đối mạnh ở Ấn Độ, nơi các nạn nhân của sự cố rò rỉ khí tại một nhà máy của hãng Union Carbide ở Bhopal năm 1984 đang yêu cầu tăng mức bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải hứng chịu.

Sự cố là thảm họa công nghiệp nghiêm trọng nhất trên thế giới, làm 15.000 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục