Nâng cao tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước

Các đại biểu QH cho rằng việc xây dựng một Ngân hàng Trung ương hiện đại, tự chủ và tính độc lập cao là mục tiêu trong nhiều năm tới.
Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).

Trao đổi về vị trí của Ngân hàng Nhà nước quy định tại điều 2 của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật là "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" với lý do việc giữ nguyên địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay là phù hợp với thể chế chính trị và trình độ phát triển, mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực cán bộ quản lý của Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng việc xây dựng một Ngân hàng Trung ương hiện đại có tính tự chủ và tính độc lập cao trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ là mục tiêu lâu dài trong nhiều năm tới.

Xung quanh quy định về Hội đồng chính sách tiền tệ, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Chu Sơn Hà (Hà Nội) tán thành với dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) bỏ quy định trong Luật hiện hành về Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho Thủ tướng và bổ sung quy định Thống đốc có quyền thành lập các ban, hội đồng tư vấn (điểm c khoản 5, điều 9).

Đại biểu Sơn cho rằng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, do đó luật cần trao cho Thống đốc quyền quyết định những vấn đề lớn liên quan đến chính sách tiền tệ trong phạm vi thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc có quyền thành lập Hội đồng tư vấn khi cần thiết.

Về phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (Điều 5), nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo Luật "Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng từng thời kỳ".

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) đánh giá việc phân định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, theo đó, Quốc hội “quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia” và “quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Trong khi lạm phát là một chỉ tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng, có tính chất tổng quát, vĩ mô và ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu cụ thể khác của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như các chính sách kinh tế lớn (lãi suất, tiền lương,...). Vì vậy, Quốc hội cần quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến và các ý kiến khác bày tỏ sự tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội đã quyết định. Ngân hàng Nhà nước đề xuất trình Chính phủ quy định: khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán; quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể trong khung do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ và chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác (dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở…).

Thảo luận về lãi suất, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật: “Ngân hàng Nhà nước xác định, công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng theo quy định của Luật này và Luật các tổ chức tín dụng.”

Trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngân hàng đã phát triển khá mạnh cả về quy mô và số lượng, các tổ chức tín dụng cần được quyền và có trách nhiệm trong việc xác định lãi suất trong giao dịch với khách hàng cũng như với các tổ chức tín dụng khác dựa trên nguyên tắc thị trường và lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nhà nước phải quản lý và kiểm soát được lãi suất của các tổ chức tín dụng, nhằm tạo sự ổn định cho hoạt động tiền tệ, tín dụng nói riêng và ổn định kinh tế nói chung.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) băn khoăn về quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước tại điều 38. Đại biểu nhận xét quy định như dự thảo Luật chung chung, không cụ thể cung cấp thông tin gì...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) đề nghị trong Luật cần bổ sung quy định chế tài xử lý những trường hợp cung cấp thông tin sai lệch, gây ảnh hướng không tốt việc điều hành của ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục